519 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023. Ấn Độ lên kế hoạch tăng diện tích trồng thanh long gấp đôi Việt Nam. Điều hữu cơ năng suất ổn định 2 - 2,5 tấn/ha. Hà Nội sẽ xem xét, phê duyệt 518 sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2022.
519 DOANH NGHIỆP ĐẠT CHỨNG NHẬN HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO 2023
– LÊ BÌNH
Tối ngày 14/3, tại Dinh Thống Nhất, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Lễ công bố và vinh danh 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023, do người tiêu dùng bình chọn.Chia sẻ Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gợi ý các doanh nghiệp cần thực sự khơi gợi tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, để mỗi người Việt quay về các sản phẩm nội địa mà không còn băn khoăn chất lượng, từ đó, hàng Việt mới có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Theo Ban tổ chức, cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 bắt đầu từ tháng 9/2022, ghi nhận hơn 61.000 lượt bình chọn cho các doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau nhằm thu thập ý kiến đánh giá, bình chọn của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.
Ấn Độ lên kế hoạch tăng diện tích trồng thanh long gấp đôi Việt Nam
Ở Ấn Độ, diện tích cây thanh long được biết đến với tên địa phương là Kamalam đang phát triển nhanh chóng và thu hút nông dân của nhiều bang bắt đầu trồng loại trái cây này.Tuy nhiên, tổng diện tích trồng thanh long của Ấn Độ là hơn 3.000 ha, không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước nên phần lớn thanh long có mặt trên thị trường Ấn Độ được nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka.Do đó, Trong nỗ lực giảm nhập khẩu và tăng sản lượng, chính phủ Ấn Độ xây dựng lộ trình canh tác thanh long lên 50.000 ha trong 5 năm tới, gấp đôi Việt Nam.
ĐIỀU HỮU CƠ NĂNG SUẤT ỔN ĐỊNH 2-2,5 TẤN/HA
– TRẦN TRUNG
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có 151.124ha điều, trong đó 3.200ha điều đạt theo tiêu chuẩn hữu cơ được trồng nhiều nhất ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp.Trong bối cảnh hầu hết người trồng điều tại địa phương đối mặt tình trạng mất mùa năm thứ 3 liên tiếp do mưa trái mùa với năng suất bình quân ước đạt chỉ 8 tạ/ha thì bà con canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn giữ được năng suất từ 2-2,5 tấn/ha.Để thực hiện chiến lược phát triển ngành điều bền vững giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, địa phươngsẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ tái canh vườn điều, tăng cường các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng.Mục tiêu của tỉnh Bình Phước là xây dựng ngành điều phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín.
HÀ NỘI SẼ XEM XÉT, PHÊ DUYỆT 518 SẢN PHẨM OCOP CẤP THÀNH PHỐ NĂM 2022
Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội vừa thống nhất sử dụng kết quả đánh giá, phân hạng lần 1 để làm kết quả đánh giá, phân hạng lần 2 năm 2022 đối với 518 sản phẩm của các chủ thể đến từ 26 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thủ đô. Trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao và 246 sản phẩm 3 sao.Hội đồng OCOP thành phố giao Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố hoàn thiện biên bản hội nghị lần 2, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để làm cơ sở trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt 518 sản phẩm OCOP năm 2022.