Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 1.600 tấn vải thiều. Doanh nghiệp đề xuất tăng giá thịt, trứng. Giá lúa tăng trong khi giá xuất khẩu gạo giảm.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG VÀ CƠ SỞ ĐÓNG GÓI
Bộ NN&PTNT vừa ban hành Chỉ thị số 1838 về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững.Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Sáng nay (29/3), UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh này đang đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong đó, Bắc Giang xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn. Đồng thời, khuyến khích mở các gian hàng vải thiều trên Sàn thương điện tử và thúc đẩy tiêu thụ vải trên mạng xã hội. Hiện, chi phí chuyển vải thiều bằng đường hàng không còn cao. Do đó, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng vào sự tham gia của của các hãng hàng không trong và ngoài nước trong tiêu thụ vải. Năm nay, sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến trên 160.000 tấn. Trong đó: vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng, diện tích 218 ha, sản lượng 1.600 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022.
DOANH NGHIỆP ĐỀ XUẤT TĂNG GIÁ THỊT, TRỨNG
Theo ghi nhận từ Sở Tài chính, trong chương trình Bình ổn thị trường các doanh nghiệp chủ yếu đăng ký tăng giá mặt hàng thịt gia súc tăng 2 - 3%, thịt gia cầm tăng 6 - 12%, trứng gia cầm tăng 6 - 8%.Sở Công thương TP.HCM cho biết đến hết tháng 3 này, các doanh nghiệp sẽ hết hạn cam kết giữ giá bình ổn thị trường, tháng 4 các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá. Việc điều chỉnh giá sẽ do Sở Tài chính tổ chức, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, trong đó sẽ đăng ký mặt hàng và đăng ký giá mới. Trường hợp thị trường biến động liên tục và biến động mạnh, chỉ cần chứng minh chi phí đầu vào tăng 2 - 5% thì có thể đăng ký điều chỉnh giá.
GIÁ LÚA TĂNG TRONG KHI GIÁ XUẤT KHẨU GẠO GIẢM
Tại An Giang, giá lúa hôm nay được điều chỉnh tăng với một số mặt hàng. Cụ thể, nếp vỏ An Giang (tươi) tăng 150 đồng/kg, đang được thương lái và doanh nghiệp mua tại ruộng ở mức 7.700 – 5.900 đồng/kg. Lúa OM 18 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.000 – 6.200 đồng/kg. Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm cũng tăng nhẹ 50 -100 đồng/kgNgược lại, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu hôm nay quay đầu giảm. Theo đó, gạo 5% tấm và Jasmine giảm 5 USD/tấn, giá lần lượt là 410 USD/tấn; 513 – 517 USD/tấn. Gạo 25% tấm 393 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn; gạo 100% tấm giữ ổn định ở mức 338 USD/tấn.