Bắn thuốc gây mê bắt 4 con khỉ quậy phá khu dân cư. Cây cao su bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ở vùng cao Yên Bái. Giá trị thu mua chè búp tươi ở Hà Tĩnh đạt khoảng 60 tỷ đồng. Xuất khẩu cá tra lấy lại đà tăng trưởng.
BẮN THUỐC GÂY MÊ BẮT 4 CON KHỈ QUẬY PHÁ KHU DÂN CƯ
Minh Sáng - Hồng Thủy - Sản xuất
Theo người dân tại khu dân cư tại quận 12, Tân Bình, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, trong khu vực xuất hiện 4 con khỉ thường xuyên quậy phá, cắn người gây thương tích.
Đến chiều 11/11, Công an phường Trung Mỹ Tây đã phối hợp Trạm cứu hộ động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã phát hiện 2 con khỉ tại khu dân cư trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn. Lực lượng kiểm lâm đã bắn thuốc mê và bắt sống. Theo xác định của cơ quan chức năng, đây là 2 cá thể khỉ đuôi lợn, nặng khoảng 7,5kg.
Trước đó, ngày 6/11, lực lượng Kiểm lâm TP.HCM cũng đã bắn thuốc gây mê 1 con khỉ đuôi lợn nặng 14,5kg xuất hiện lục lọi đồ ăn, quấy phá đồ đạc tại một ngôi chùa và nhà người dân ở Tân Bình. Tiếp đó, con khỉ đuôi dài nặng 15kg cũng bị phát hiện tại một con hẻm trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp.
Như vậy, trong vòng một tuần, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp bắn thuốc mê tổng cộng 4 con khỉ xuất hiện quậy phá khu dân cư tại các khu vực quận Tân Bình, Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn.
CÂY CAO SU BƯỚC ĐẦU MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ Ở VÙNG CAO YÊN BÁI
Thanh Tiến – Hùng Khang - Sản xuất
Sau hơn 10 năm hoạt động, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái đã cạo mủ và khai thác trên 60 ha cao su tại 2 huyện Văn Chấn và Văn Yên. Kết quả 2 đợt thu hoạch cho thấy chất lượng mủ tương đối tốt, hàm lượng DRC (hàm lượng cao su khô) cao su nguyên chất đạt 60% và sản lượng ban đầu đạt 7-8 tạ/ha. Đến nay, đơn vị này đã thu hoạch trên 22 tấn mủ đông, tương đương với 13 tấn mủ khô và ước tính thu hoạch toàn bộ diện tích sẽ cho sản lượng mủ khô trên 20 tấn.
Hiện, Công ty cổ phần Cao su Yên Bái đang quản lý, chăm sóc, bảo vệ gần 2.300 ha diện tích cao su bao gồm các giống chịu lạnh. Đơn vị này cũng đang tích cực triển khai tập huấn kỹ thuật thu hoạch mủ cao su cho công nhân để đảm bảo chất lượng và sản lượng.
GIÁ TRỊ THU MUA CHÈ BÚP TƯƠI Ở HÀ TĨNH ĐẠT KHOẢNG 60 TỶ ĐỒNG
Thanh Nga - Sản xuất
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 850 ha chè liên kết giữa doanh nghiệp và người dân đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Năm 2023 nhờ thực hiện quy trình chăm sóc bài bản, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng sản xuất theo quy trình chè an toàn VietGAP nên hầu hết diện tích thu hoạch đạt năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 8.600 tấn.
Theo người dân trồng chè tại địa phương, năm nay giá thu mua chè búp tươi của Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh dao động từ 6.500 đ – 7.000đ/kg, cao hơn 10% so với vụ chè năm 2022, giá trị thu về đạt khoảng 60 tỷ đồng.
XUẤT KHẨU CÁ TRA LẤY LẠI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng cá tra xuất khẩu đang có mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 1,5 tỷ USD. Để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa lễ hội cuối năm, 2 thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu. Đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng cá tra nước ta có thể cạnh tranh tốt hơn do có lợi thế về địa lý. Đặc biệt cá tra Việt Nam có thể giành thị phần cao hơn bằng phân khúc thủy sản tươi sống, ướp lạnh cho tiêu thụ nội địa của thị trường tỷ dân này.
Không chỉ các thị trường truyền thống, thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng phục hồi trở lại. Theo thống kê của Hiệp hội cá tra Việt Nam, nhiều thị trường tăng trưởng dương 2 con số như Canada, Mexico, Nhật Bản, đạt mức từ 16% đến 75%.