Việt Nam đề xuất thành lập nhóm đối tác lương thực thực phẩm. Bắc Kạn trồng rừng vượt kế hoạch. Phúc Sinh Consumer thúc đẩy đưa cà phê Việt ra thế giới. Hà Tĩnh ra Chỉ thị phát động làm thủy lợi phục vụ sản xuất. Di dời lồng, bè cá để thi công cầu Thống Nhất.
VIỆT NAM ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP NHÓM ĐỐI TÁC LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM
Ngày 10/11, Bộ NN-PTNT và các đối tác tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam”. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác liên ngành lương thực thực phẩm, kêu gọi sự phối hợp giữa các Bộ ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và địa phương để đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, liên kết đổi mới sáng tạo, cập nhật bảng cân đối dinh dưỡng quốc gia, và thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững. Theo đó, các chuyên gia từ tổ chức quốc tế đã thảo luận sôi nổi về định hướng hợp tác thông qua Nhóm Đối tác LTTP. Các Tổ công tác kỹ thuật dự kiến gồm Nông nghiệp sinh thái, Dinh dưỡng và Đa dạng hóa sản phẩm địa phương , Tổn thất và Lãng phí LTTP, Tiêu dùng có trách nhiệm và Chính sách, thể chế.
Phúc Sinh Consumer thúc đẩy đưa cà phê Việt ra thế giới
Phát biểu tại buổi Lễ ký kết hợp tác giữa Phúc Sinh Consumer và LNS International Corporation phân phối sản phẩm K COFFEE vào Mỹ, Châu Âu, Úc – New Zealand và Nhật Bản ngày 10/11, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil. Tuy nhiên, các mặt hàng cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô vì thế hầu như trên thế giới ít ai biết đến. Do vậy cà phê Việt chưa được đánh giá cao, thậm chí bị bán giá thấp hơn những sản phẩm cùng loại từ nước khác.
Sự kiện hợp tác lần này giữa Phúc Sinh Consumer và LNS International Corporation sẽ đánh dấu mốc phát triển thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới. Từ đây, nhiều người tiêu dùng quốc tế sẽ tiếp cận gần hơn với sản phẩm cà phê nguyên chất, thượng hạng đến từ Việt Nam. Đồng thời, trong vòng 3 - 5 năm tới Phúc Sinh FMCG sẽ phấn đấu đứng số 1 trong phân khúc sản phẩm chất lượng cao, chú trọng đầu tư mang lại giá trị cho cộng đồng và nỗ lực với hướng đi phát triển bền vững.
Bắc Kạn trồng rừng vượt kế hoạch
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng rừng mới hơn 4.000ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung hơn 3 nghìn ha, còn lại là trồng rừng phân tán. Cơ cấu giống phổ biến là cây mỡ, keo, thông, hồi, quế. Nhưng từ tháng 4 đến giữa tháng 6 vừa qua hạn hán kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ, nhiều diện tích rừng trồng mới bị chết khô. Vượt qua khó khăn, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã trồng được 4.450ha rừng, đạt 110% kế hoạch. Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 100.000ha rừng trồng, là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước. Trong quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 đến 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định đưa sản phẩm từ gỗ rừng trồng trở thành ngành hàng chủ lực quốc gia. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn xây dựng vùng nguyên liệu bền vững thông qua trồng lại rừng tập trung sau khai thác, phấn đấu khoảng 1/3 diện tích trồng cây gỗ lớn.
Hà Tĩnh ra Chỉ thị phát động làm thủy lợi phục vụ sản xuất
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là tưới chống hạn cho vụ hè thu năm 2024 và dân sinh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Chỉ thị yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi từ ngày 15- 31/1/2024. Chỉ thị nêu rõ, ngành Nông nghiệp PTNT các huyện, thành phố, thị xã; các Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh; các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức ra quân làm thuỷ lợi nội đồng đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Thực hiện kiểm kê, cân đối nguồn nước tại các công trình thủy lợi, xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể của từng công trình, cho từng vùng; tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên từ ao, hồ, sông, suối, kênh rạch để cấp nước cho vụ xuân năm 2024 nhằm tiết kiệm nguồn nước để dành cho vụ sản xuất hè thu năm 2024.
Di dời lồng, bè cá để thi công cầu Thống Nhất
Liên quan đến hơn 260 lồng, bè nuôi cá của 20 hộ trong phạm vi triển khai xây dựng cầu Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Đồng Nai xử lý.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai cho biết đang phối hợp cùng đơn vị liên quan di dời lồng, bè cá, dự kiến trước ngày 15/11 sẽ hoàn thành.
Quá trình di dời có sự tham gia của thợ lặn cùng nhiều phương tiện thực hiện lai dắt. Tại địa điểm di dời đến, các đơn vị đã đóng cọc cừ lá sen, giúp cố định lồng, bè cá. Sau khi di dời đến nơi mới, các hộ vẫn có thể tiếp tục nuôi cá lồng, bè. Cầu Thống Nhất là hạng mục quan trọng nhất trong dự án Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa của Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Khoảng 10 tháng qua, việc thi công cầu Thống Nhất bị đình trệ, nguyên nhân do phạm vi triển khai cầu có hơn 260 lồng, bè cá khiến các phương tiện thi công không thể tiếp cận công trường. Việc nuôi cá ở đây là không hợp pháp nên khi di dời sẽ không bồi thường, tái định cư.