Sản xuất, tiêu thụ thanh long theo hướng hiện đại, bền vững. Băng giá xuất hiện ở nhiều địa phương phía Bắc. Từ 21/2 Lạng Sơn triển khai nền tảng cửa khẩu số. Sơn La đặt mục tiêu xuất khẩu chè đạt 27,1 triệu USD.
SẢN XUẤT, TIÊU THỤ THANH LONG THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI, BỀN VỮNG
Chiều 20/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đến thăm trang trại của Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Bình An và cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long của Công ty Thanh long Hoàng Hậu ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Tại Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Bình An, Bộ Trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao quy mô sản xuất và quy trình canh tác hiện đại, hiệu quả của doanh nghiệp. Hiện, đơn vị này có khoảng 100ha trồng thanh long, trong đó 70ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh đó còn có nho và dưa lưới áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Mỗi năm xuất khẩu trên 2.000 tấn. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, doanh nghiệp này vẫn có đầu ra ổn định cho quả thanh long với mức giá từ 50-60.000 đ/kg. Còn tại Công ty thanh long Hoàng Hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trao đổi và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc về việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, nắm bắt thông tin về giá cả thu mua thanh long của nông dân, quy trình sơ chế, chế biến và đóng gói sản phẩm để đảm bảo nhu cầu thị trường.
Không khí lạnh tăng cường mấy ngày qua khiến một số đỉnh núi cao của tỉnh Cao Bằng xuất hiện băng giá, nhiều nhất là đỉnh núi Phia Oắc, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Trong ngày hôm nay 20/2, nhiệt độ tại đây đã xuống đến -5, thậm chí là -7 độ C. Theo dự báo, với điều kiện thời tiết như hiện nay, rất có thể xuất hiện băng giá trong những ngày tới. Cũng trong ngày hôm nay, nhiệt độ giảm sâu cũng gây ra xuất hiện băng giá, băng tuyết tại một số nơi như đèo Ô Quý Hồ tỉnh Lào Cai, đỉnh Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn, huyện Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và 1 số vùng núi cao của huyện Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang. Trước đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung bộ theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó với rét hại, băng giá và giảm thiểu thiệt hại. Theo đó, tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh, hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét. Triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.
TỪ 21/2, LẠNG SƠN TRIỂN KHAI NỀN TẢNG CỬA KHẨU SỐ
Từ ngày mai 21/2, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu bắt buộc tất cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý Hải quan phải khai báo thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu phụ Tân Thanh. Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số sẽ cung cấp thông tin kịp thời, chính xác công tác quản lý Nhà nước của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, từ đó được xử lý kịp thời, phục vụ tốt công tác quản lý. Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động sẽ giảm bớt rất nhiều thời gian, công sức cũng như khối lượng công việc của các lực lượng chức năng và doanh nghiệp làm việc tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, nền tảng cửa khẩu số còn được kết nối với bản đồ số và hệ thống định vị để điều tiết, giám sát mật độ, lưu lượng xe hàng trong quá trình đưa lên của khẩu.
SƠN LA ĐẶT MỤC TIÊU XUẤT KHẨU CHÈ ĐẠT 27,1 TRIỆU USD
Năm 2021, tỉnh Sơn La trồng mới 183 ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh lên 5.844 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 50.000 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Sơn. Tuy việc tiêu thụ, xuất khẩu chè của gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu chè đạt 22,2 triệu USD. Năm 2022, ngoài việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè, tỉnh Sơn La khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, phấn đấu xuất khẩu 10.700 tấn sản phẩm, trị giá 27,1 triệu USD.
GIÁ CÀ PHÊ GIẢM NHẸ 100 ĐỒNG/KG
Giá cà phê hôm nay 20/2 tại thị trường trong nước giao dịch quanh mức 40.800 - 41.400 đ/kg. Cụ thể, tại Lâm Đồng, cà phê đang thu mua với giá 40.800 đ/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua quanh mức 41.200- 41.400 đ/kg. Giá cà phê tại Gia Lai và Kon Tum đang được thu mua ở cùng mức 41.300 đ/kg. Nhìn chung, thị trường cà phê trong nước giảm nhẹ 100 đ/kg so với tuần trước.