Hồn cốt của Báo Nông nghiệp Việt Nam gắn chặt nhiệm vụ chính trị của Bộ. Nghiên cứu tạo sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp. Vườn Quốc gia Phú Quốc tiếp nhận trăn gấm quý hiếm dài gần 4 mét. Thừa Thiên Huế: 100% tàu khai thác cá có giấy phép hoạt động.
Hồn cốt của Báo Nông nghiệp Việt Nam gắn chặt nhiệm vụ chính trị của Bộ
Thanh Thủy - Quỳnh Chi sản xuất
Sáng 11/7, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham dự và chủ trì Hội nghị.
Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thạch cảm ơn lãnh đạo Bộ đã luôn quan tâm đặt biệt, tạo điều kiện về mọi mặt công tác. Thời gian tới, nhằm đáp ứng được yêu cầu về sự thay đổi của công nghệ, thị hiếu của độc giả, Báo đề nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ Báo phát triển các nền tảng mạng xã hội; thực hiện mục tiêu phát triển cơ quan báo chí đa phương tiện.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao vai trò quan trọng của Báo Nông nghiệp Việt Nam đối với những thành tựu của ngành trong 6 tháng đầu năm. Phản ánh sâu sắc mọi ngành, lĩnh vực từ nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, thuỷ sản đến lâm nghiệp và chống buôn lậu gia súc, gia cầm, vật tư nông nghiệp. Hồn cốt của Báo gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của Bộ và sự phát triển của toàn ngành.
Nghiên cứu tạo sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp
Trung Chánh – Thiên Kim - Sx
5 năm trở lại đây đã có gần 170 đề tài, dự án khoa học và công nghệ được nghiên cứu, thí điểm và được đánh giá nghiệm thu tại Kiên Giang. Theo đó, các đề tài, dự án đã tập trung vào các lĩnh vực khoa học nông nghiệp, tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, y dược và xã hội… và luôn bám sát với thực tiễn nên có khả năng chuyển giao ứng dụng rất cao.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng trong đời sống còn một số hạn chế. Do đó, sự phối hợp đào tạo, nghiên cứu giữa các trường như Đại học Kiên Giang - Đại học Công thương TP. HCM có thể tạo ra những sản phẩm khoa học phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vườn Quốc gia Phú Quốc tiếp nhận trăn gấm quý hiếm dài gần 4m
Văn Vũ - Sx
Vườn Quốc gia Phú Quốc vừa tiếp nhận con trăn gấm đực dài gần 4m, nặng gần 12kg do người dân phát hiện và bắt được. Sau khi tiếp nhận, Vườn quốc gia Phú Quốc đã bàn giao con trăn gấm cho Trại rắn Đồng Tâm 2 Phú Quốc để chăm sóc.
Theo đại diện Trại rắn Đồng Tâm 2 Phú Quốc, đây là loài trăn quý hiếm được xếp vào nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn. Hiện, con trăn đang trong tình trạng bị thương phần miệng, đã được các nhân viên ở Trại rắn Đồng Tâm 2 sát khuẩn vết thương và nhốt vào chuồng cách ly, theo dõi. Trong thời gian tới nếu sức khỏe ổn định sẽ tiến hành bảo tồn hoặc thả về môi trường tự nhiên.
Thừa Thiên Huế: 100% tàu khai thác cá có giấy phép hoạt động
Công Điền - Sx
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, địa phương này có 675 tàu cá đăng ký hoạt động. Trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là 438 chiếc; tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm có 592 chiếc. Nhờ triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện, đến nay 100% tàu cá của tỉnh Thừa Thiên – Huế ra biển hoạt động đều có giấy phép khai thác thủy sản.
Để tạo điều kiện cho ngư dân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân cấp cho UBND cấp huyện triển khai đăng ký đối với các loại tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng nội địa trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, toàn bộ dữ liệu tàu cá đều thường xuyên được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia hàng tuần.