Hạ thủy lồng HDPE nuôi mực thương phẩm lớn nhất thế giới. Trạm trung chuyển tiêu thụ hàng nghìn heo thịt mỗi ngày. Đồng Nai hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP trái cây. Cấp quyền sử dụng nhãn hiệu 'Bò Ba Tri' cho hộ chăn nuôi.
Hạ thủy lồng HDPE nuôi mực thương phẩm lớn nhất thế giới
Phương Chi SX
Chiều ngày 9/7, Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông đã tổ chức lễ hạ thủy lồng nuôi biển bán tự nhiên nuôi mực thương phẩm kết hợp nuôi ốc hương ở tầng đáy bằng vật liệu HDPE lớn nhất thế giới với đường kính lồng 100 mét và thể tích 100m3 nước.
Theo anh Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông, chi phí hoàn thành “siêu lồng nuôi biển” này hết hơn 15 tỷ đồng trong thời gian hơn 3,5 tháng. Khi đi vào hoạt động, lồng nuôi này có thể thả nuôi 100.000 con mực giống, 5,5 triệu con ốc hương mỗi năm. Căn cứ kết quả nuôi thí điểm chỉ cần đạt tỷ lệ 50/50 thì sau 8 tháng sẽ thu khoảng chừng 50 tấn mực, 55 tấn ốc hương.
Trạm trung chuyển tiêu thụ hàng nghìn heo thịt mỗi ngày
Quốc Toản sx
Trung tâm bán heo Thanh Hóa có địa chỉ tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa tọa lạc trên diện tích 2ha, được thiết kế theo dạng khép kín, phân thành nhiều khu vực gồm: Khu vực tiêu độc khử trùng, 8 phòng ở cho công nhân, 4 trạm cân, 22 chuồng tập kết heo, khu vực tiêu hủy, khu xử lý nước thải, khu chờ của khách…
Đây được xem là mắt xích quan trọng đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong chuỗi hệ thống chăn nuôi, chế biến heo của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Mỗi ngày trạm trung chuyển này tiêu thụ khoảng 2000 heo thịt cho thị trường. Trung bình mỗi tháng Trung tâm cung cấp khoảng 11.000 đến 12.000 con lợn thịt cho nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Trạm trung chuyển heo có chức năng như một “sàn giao dịch” heo, cung cấp heo sạch, an toàn cho thị trường.
Đồng Nai hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP trái cây
Theo đó, Đồng Nai ngày càng có nhiều sản phẩm trái cây tươi chủ lực được chứng nhận OCOP như: chuối, sầu riêng, bưởi..., qua đó góp phần xây dựng thương hiệu cho các đặc sản trái cây thế mạnh của các địa phương.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, sản phẩm OCOP trái cây tươi trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP trái cây tươi gắn với mô hình du lịch nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cả ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Cấp quyền sử dụng nhãn hiệu ‘Bò Ba Tri’ cho hộ chăn nuôi
Văn Vũ sx
Bến Tre có tổng đàn bò lên tới 242.000 con, trong đó huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh với trên 100.000 con, trong đó bò sữa là trên 1.000 con, còn lại là bò thịt. Những năm qua để phát triển nghề nuôi bò, bà con tại đây đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Theo người dân, tiền mua bò giống 1 năm tuổi trọng lượng từ 180-200kg là 15 triệu đồng, với chi phí thức ăn nuôi khoảng 15 triệu đồng, sau 1 năm nuôi bò bán được từ 40-45 triệu đồng/con, người nuôi lợi nhuận khoảng 10-15 triệu đồng một con bò thịt.
Phòng NN&PTNT huyện Ba cho biết, địa phương đang khuyến khích các hộ chăn nuôi có điều kiện mở rộng quy mô để thành lập trang trại. Đồng thời, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Bò Ba Tri” cho các cơ sở nuôi đủ điều kiện nhằm góp phần phát triển nghề nuôi bò ở địa phương theo hướng bền vững.