Báo Nông nghiệp Việt Nam và Growmax lập Quỹ học bổng khuyến học 8 tỷ đồng. Đề xuất hỗ trợ thiệt hại bệnh dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục. Mít vươn lên vị trí thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu trái cây. Giá cá kèo vượt 200.000 đồng/kg, nông dân lãi 350 triệu đồng/ha.
BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM VÀ GROWMAX LẬP QUỸ HỌC BỔNG KHUYẾN HỌC 8 TỶ ĐỒNG
Chiều 8/8/2022 tại Long Thành, Đồng Nai, Công ty TNHH Thức ăn thủy sản Growmax và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ công bố thành lập Quỹ Học bổng khuyến học Growmax quy mô 8 tỷ đồng, với mục tiêu hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học tại các địa phương ven biển Việt Nam có điều kiện đến trường. Ông Mai Văn Hoàng, Tổng giám đốc công ty Growmax xúc động phát biểu: “Tri thức là con đường sáng nhất để thay đổi cuộc đời mỗi con người, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không phải ai cũng may mắn thực hiện được điều này. Nhằm góp phần hỗ trợ trẻ em Việt Nam không ai phải chịu cảnh thất học, GrowMax và Báo Nông nghiệp Việt Nam chính thức khởi động Quỹ Khuyến học GrowMax với mong muốn sẽ luôn là cầu nối cho tương lai của thế hệ trẻ Việt nam sau này. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt quỹ học bổng, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết rất vui mừng, cảm phục, trân quý những tình cảm Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên GrowMax trong việc chăm lo những học sinh nghèo vùng ven biển. Ông đồng thời cũng mong muốn Báo Nông nghiệp Việt Nam sớm trao những phần quà này đến tay các trẻ em nghèo hiếu học, chắp cánh ước mơ được đến trường của các em để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Rất bất ngờ và cảm động trước sự phát triển thần tốc, lớn mạnh của Growmax và tinh thần tương thần tương ái của doanh nghiệp. Trên nền tảng bền vững đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Growmax cam kết sẽ khởi đầu mối quan hệ, hợp tác mới, đó là chung tay chia sẻ khó khăn với những học sinh nghèo hiếu học có điều kiện tốt hơn để đến trường.
ĐỀ XUẤT HỖ TRỢ THIỆT HẠI BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI, VIÊM DA NỔI CỤC
Bộ NNPTNT vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ báo tình hình dịch bệnh trên động vật và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại.Theo Bộ NN-PTNT, diễn biến dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục hiện vẫn còn phức tạp, tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đã ban hành trước đây đều đã hết hiệu lực khiến cơ quan chức năng và địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tiêu hủy vật nuôi và triển khai phòng, chống dịch bệnh.Trước đó, ngày 8/6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số gửi Bộ Tài chính về việc đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục. Ngày 25/7/2022, Bộ Tài chính có công văn thống nhất với đề nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại Nghị định số 02 của Chính phủ ban hành ngày 09/01/2017.Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục và các dịch bệnh khác, đảm bảo thống nhất khi tổ chức thực hiện chính sách trên phạm vi cả nước.
MÍT VƯƠN LÊN VỊ TRÍ THỨ 3 VỀ KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TRÁI CÂY
Nông dân tại Tiền Giang, nơi có vùng trồng mít Thái siêu sớm chuyên canh lớn tại ĐBSCL đang rất phấn khởi trước việc giá mít tăng mạnh trở lại những tuần gần đây. Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, địa phương này có 13.000ha mít Thái sớm, sản lượng quả trên 182.000 tấn.Các vựa trái cây ở huyện Cai Lậy đang thu mua mít Thái siêu sớm loại 1 giá 20.000 - 22.000 đồng/kg, loại khác 8.000-12.000 đồng/kg, gấp ba lần so với cùng kỳ. Theo chia sẻ của thương lái và nhà vườn, giá mít tăng mạnh nhờ sức tiêu thụ sau đại dịch phục hồi trở lại cộng nhiều nhà máy đang cần nguồn nguyên liệu lớn phục vụ chế biến. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu mít Thái của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 84 triệu USD, vượt qua xoài, xếp thứ 3 trong nhóm các loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nửa đầu năm nay, sau thanh long 374 triệu USD và chuối 218 triệu USD.
Từ cuối tháng 3 đến nay, giá cá kèo trên địa bàn Bạc Liêu liên tục tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ cá kèo tươi và khô cá kèo tăng cao, trong khi nguồn cung khan hiếm.Hiện cá kèo được thương lái thu mua tại ao giá từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, cao hơn 90.000 - 100.000 đồng so với cùng kỳ. Với mức giá này, người nuôi cá lãi gần 350 triệu đồng với mỗi héc ta. Các cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo, để tránh nguồn cung vượt cầu gây biến động bất lợi về thị trường, bà con nông dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà phát triển diện tích nuôi ồ ạt. Đặc biệt, khi thả nuôi cần chú ý phòng, chống các dịch bệnh phổ biến trên cá kèo, quá đó mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.