Bệnh dại gia tăng đột biến. Phòng chống hạn mặn cho hàng chục ngàn héc ta đất sản xuất. MAG giúp 1,1 triệu người Việt Nam sống trong khu vực không còn bom mìn. Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD trong năm 2024.
Bệnh dại gia tăng đột biến
Khai thác
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày. Trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vaccine phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, năm 2023 đã ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.
Phòng chống hạn mặn cho hàng chục ngàn héc ta đất sản xuất
Văn Vũ - Sản xuất
Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, năm nay do hạn mặn đang có diễn biến phức tạp nên chính quyền và nhân dân trong huyện đã chủ động chuẩn bị nhiều giải pháp để ứng phó. Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiêp, để chủ động ứng phó với tình hình hạn và mặn xâm nhập mặn, địa phương này đã huy động các nguồn lực được hơn 25 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 6 cống hở, 4 cống kết hợp với trạm bơm, tổ chức nạo vét 20 tuyến kênh tạo nguồn, chủ động khép kín cho hàng chục ngàn héc ta đất sản xuất.
Bên cạnh các giải pháp về công trình, người dân trong huyện cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho khoảng 75% diện tích cây ăn trái và rau màu, tương đương khoảng 10.500 ha.
MAG giúp 1,1 triệu người Việt Nam sống trong khu vực không còn bom mìn
Võ Dũng – Sản xuất
Mines Advisory Group Việt Nam (gọi tắt là MAG) bắt đầu hoạt động tại Quảng Trị từ năm 1999, sau đó mở rộng ra Quảng Bình và Quảng Nam. Đơn vị này đã và đang triển khai các hoạt động như: Khảo sát phi kỹ thuật; giáo dục phòng tránh bom mìn; xử lý bom mìn lưu động; rà phá bom mìn tại khu vực chiến sự; đầu mối liên lạc địa phương.
Đến nay, MAG đã thực hiện 72 cuộc khảo sát phi kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom mìn; tìm và xử lý an toàn 390.000 vật liệu nổ; 8 chiến dịch trên mạng xã hội và trên 2.500 buổi giáo dục phòng tránh bom mìn. Nhờ hoạt động của MAG, 250 km2 đất tại Việt Nam được rà sạch bom mìn; 1,1 triệu người dân sống trong các khu vực không còn bom mìn.
Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD trong năm 2024
Khai thác
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá xuất khẩu cà phê Robusta đang lập kỷ lục khi trong tuần qua tăng tới gần 5%. Nguyên nhân chính khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng do thế giới lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 438.000 tấn với 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về khối lượng và tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên, cà phê đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu trong các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu, đứng sau gỗ và các sản phẩm gỗ. Về thị trường, Đức tiếp tục đứng đầu về nhập khẩu cà phê Việt Nam, chiếm tỷ trọng 11%, tiếp đến là Italy, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Về chủng loại cà phê xuất khẩu, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng trong xuất khẩu cả hai loại cà phê chính là Robusta và Arabica.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt 5 tỷ USD nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bứt phá về giá.