Nuôi rắn hổ đất lãi hàng trăm triệu mỗi năm. Việt Nam - Ireland hợp tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Dùng thiết bị bay bón phân hữu cơ trên đồng lúa. Độc đáo với vườn tre bonsai.
Nuôi rắn hổ đất lãi hàng trăm triệu mỗi năm
Văn Vũ sx
Rắn hổ đấtlà loài bò sát có nọc cực độc và không phải ai cũng dám nuôi. Tuy nhiên, loài rắn này đã được nhiều người dân ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu nuôi an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo người dân, nuôi rắn hổ không tốn diện tích đất, với khoảng 100m2 là có thể nuôi số lượng vài ngàn con. Thức ăn của rắn hổ đất chủ yếu là cá rô phi, từ con giống ban đầu nuôi khoảng 1 năm rắn đạt trọng lượng hơn 1kg, với giá bán hiện tại từ 700.000 - 800.000 đồng/kg, người nuôi có thể thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.
Phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho biết, hiện toàn huyện có hơn 90 hộ nuôi nuôi rắn hổ đất với tổng đàn từ 8.000 - 10.000 con/năm. Đây là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với người trực tiếp thả nuôi và dân cư xung quanh. Do vậy, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, quản lý bà con đảm bảo an toàn trong khâu chuồng trại để rắn hổ đất không thoát ra ngoài gây nguy hiểm cho người dân.
Việt Nam - Ireland hợp tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm
Đức Chung sx
Hội nghị chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững giữa Việt Nam và Ireland đã được tổ chức chiều nay. Các chuyên gia đánh gia, Việt Nam đang phải trải qua quá trình chuyển đổi quan trọng trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, với mục tiêu tăng cường năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn bộ dân số. Để đạt được điều này, việc hợp tác với các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng.
Định hướng hợp tác giữa Ireland và Việt Nam sẽ theo 3 mục tiêu: Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ Nông nghiệp Việt Nam; hỗ trợ các gói chuyên gia kỹ thuật giúp Việt Nam xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất gốc xuất xử cấp quốc gia với sản phẩm chủ lực như trồng trọt, chăn nuôi và thành lập các tổ công tác kỹ thuật thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Từ đó xây dựng một hệ thống lương thực và thực phẩm bền vững.
Dùng thiết bị bay bón phân hữu cơ trên đồng lúa
Tâm Phùng- Tâm Đức
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Khánh tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có diện tích trên 22 ha. Đây là mô hình trồng lúa đầu tiên tại Quảng Bình đưa công nghệ thiết bị bay không ngươì lái vào gieo sạ, bón phân tại địa phương này.
Phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh được bón lần thứ 3 trên đồng lúa với mức 200 kg mỗi hec ta. Theo anh Khánh, với diện tích hơn 22 ha thì việc bón phân bằng thiết bị bay chỉ trong vòng 1 ngày là xong, tiết kiệm được nhiều nhân công so với sản xuất truyền thống. Hiện cây lúa trên đồng xanh tốt, phát triển đẻ nhánh nhiều và bắt đầu vào thời kỳ chuẩn bị phun đòng.
Độc đáo với vườn tre bonsai
Hùng Khang sx
Năm 2018, chứng kiến loài cây thân thương dần bị mất đi bởi quá trình công nghiệp hóa, anh Nguyễn Sỹ Luân ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã quyết định trồng và thử nghiệm cây tre bon sai theo hướng hữu cơ.
Sau 6 năm trồng và chăm sóc, đến nay khu vườn rộng gần 20.000m3, của hợp tác tác xã Vườn Chum do anh Luân làm Giám đốc đã có hằng trăm tác phẩm tre bon sai mang đủ các thế đứng độc đáo.
Nguyên liệu chính để làm nên các tác phẩm tre bonsai là tre ngà và tre gai. Theo anh Luân, việc sử dụng phân hữu cơ trong chăm sóc cây tre không những giúp giảm chi phí mà còn thân thiện với môi trường. Hiện nay, hợp tác xã của anh có 6 thành viên. Với doanh thu hằng năm từ 350 đến 400 trăm triệu đồng.