Bệnh khô vằn gây hại trên lúa diễn biến phức tạp. Kiên Giang thiệt hại gần 100 tỷ đồng do sụt lún và sạt lở đất. Phun 300 lít thuốc sát trùng, tiêu độc môi trường phòng dịch. '5 không, 3 sạch' ở xã Thanh Cao.
(Tin 1) Bệnh khô vằn gây hại trên lúa diễn biến phức tạp
Thanh Nga sx
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa dông thời gian gần đây đã khiến bệnh khô vằn phát sinh, gây hại trên lúa xuân. Diện tích nhiễm bệnh đến thời điểm này hơn 1.000 ha, chủ yếu ở các diện tích ruộng sâu trũng, bón thừa đạm, phân bố ở hầu hết 13 đơn vị cấp huyện trong tỉnh. Tỷ lệ nhiễm trung bình 3 - 7%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 25 - 35%.
Dự báo thời gian tới bệnh tiếp tục gia tăng cả về mức độ và phạm vi gây hại, trùng với giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông. Để hạn chế giảm năng suất lúa do bệnh khô vằn gây ra, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần theo dõi sát thời tiết, thời điểm lúa trỗ để hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời.
(Tin 2) Kiên Giang thiệt hại gần 100 tỷ đồng do sụt lún và sạt lở đất
Văn Vũ sx
Huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với tình trạng sụt lún và sạt lở nghiêm trọng, khi có hơn 200 điểm bị ảnh hưởng, tổng chiều dài hơn 6,5km.
Tình hình sạt lở hiện đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều điểm mới với quy mô, mức độ rộng tăng lên đáng kể. Các tuyến đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ bị sạt lở, sụt lún khiến người dân đi lại khó khăn.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do tác động của nắng nóng và khô hạn kéo dài, cùng với cấu tạo địa chất đặc thù của khu vực. Tình trạng sụt lún đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hạ tầng giao thông, ước tính lên đến gần 100 tỉ đồng.
(Tin 3) Phun 300 lít thuốc sát trùng, tiêu độc môi trường phòng dịch
Lê Hoàng Vũ -SX
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên diện rộng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) phối hợp UBND 9 xã, phường và các ngành liên quan triển khai thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Theo đó, mỗi ngày có 1 đội tiến hành phun thuốc khử trùng ở các tuyến đường trọng điểm có chăn nuôi, mua bán gia súc, gia cầm và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Có khoảng 300 lít thuốc sát trùng được sử dụng để phun khử trùng khu vực buôn bán gia súc, gia cầm, quầy bán thịt và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi họp chợ. Còn các khu vực xung quanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và hộ gia đình.
(Tin 4) MÔ HÌNH '5 KHÔNG, 3 SẠCH' TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Đức chung sx
Đến với thôn Sấu Thượng, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình không khó để bắt gặp hình ảnh con đường cây xanh dài tít tắp, sạch đẹp thay thế cho những vạt cỏ dại, rác thải tự phát trước đây. Những giống cây, hoa được lựa chọn trồng là loại có sức sống tốt, dễ chăm sóc, thích ứng với môi trường ... Đây là thành quả mà người dân cùng chị em Hội phụ nữ xã Thanh Cao đã thực hiện và duy trì trong nhiều năm qua.
Để từng bước thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường cho hội viên, các cấp Hội đã tổ chức ra quân xuống đường thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, đảm nhận mô hình “Đoạn đường do phụ nữ tự quản”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải và vệ sinh môi trường”. Mô hình “Chi hội phụ nữ 3 sạch tham gia xây dựng nông thôn mới” cũng được duy trì và nhân rộng tại các cơ sở Hội gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”.