Trồng chanh dây xuất khẩu châu Âu cho thu nhập cao hơn 40%. Sơn La đã xảy ra gần 3.900 điểm cháy. Đồng Tháp tiêm phòng vacxin miễn phí phòng bệnh dại cho chó, mèo. Cống ngăn mặn 550 tỷ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.
Trồng chanh dây xuất khẩu châu Âu cho thu nhập cao hơn 40%
Minh Quý - Sản xuất
Gần 20 ha chanh dây của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên bước vào thu hoạch. Vườn chanh dây được canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học nhập từ Thái Lan để phòng trừ bệnh và bón cho cây trồng. Hiện, vườn này đã được cấp chứng nhận GlobalGAP. Năm nay, ước đạt sản lượng 40 - 50 tấn/ha, trong đó chanh xuất khẩu chiếm 50%. Giá xuất khẩu cho chanh loại một hơn 50.000 đồng/kg.
Theo doanh nghiệp này, trồng chanh dây theo hướng hữu cơ để xuất châu Âu chi phí chỉ cao hơn trồng truyền thống 20%. Tuy nhiên, việc canh tác này giúp vườn đạt lợi nhuận trên 40%.
Theo Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sài Gòn - Tây Nguyên ngoài xuất khẩu châu Âu, hiện doanh nghiệp đang triển khai để mở rộng thị trường trong nước. Việc này nhằm giúp người dân tiếp cận được những sản phẩm sạch, giá cả vừa phải mà chất lượng không khác hàng xuất khẩu.
Sơn La đã xảy ra gần 3.900 điểm cháy
Quang Dũng - Sản xuất
Theo cảnh báo của trang quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin của Cục Kiểm Lâm, từ đầu năm đến nay tỉnh Sơn La đã xảy ra gần 3.900 điểm cháy ở tất cả các huyện thành phố.
Tính riêng trong tháng 3 đã xảy ra trên 2.900 điểm cháy, đa số không nằm trong diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, toàn tỉnh cũng đã xảy ra 6 vụ cháy rừng ở tập trung ở các huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La thành phố Sơn La, gây thiệt hại gần 47 ha rừng, trong đó có cả rừng tự nhiên. Nguyên nhân gây cháy là nền nhiệt độ cao, lượng mưa thấp, bên cạnh đó, một số chủ rừng vẫn chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng lửa trong rừng.
Dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khi nắng nóng kéo dài kèm theo gió Tây nam khô hanh có tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng cao. Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường công tác theo dõi, cảnh báo báo cháy, bám nắm địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, hạn chế tối đa việc sử dụng lửa rừng và khai thác lâm sản.
Đồng Tháp tiêm phòng vacxin miễn phí phòng bệnh dại cho chó, mèo
Lê Hoàng Vũ - Sảnxuất
Hiện đang vào cao điểm mùa nắng nóng, cũng là thời điểm gây bệnh dại lây lan mạnh trên đàn chó, mèo. Nhằm chủ động ngăn chặn bùng phát bệnh dại trên chó, mèo và lây lan sang người, hạn chế thấp nhất số người tử vong do bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) đã phối hợp UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố tổ chức tiêm phòng miễn phí vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo tại các hộ dân. Các vật nuôi chó, mèo sau khi được tiêm phòng sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại, đeo vòng cổ để nhận diện. Nhân viên thú y cũng khuyến cáo hộ nuôi những nguy hiểm, biện pháp phòng chống bệnh dại, cách xử trí khi bị chó, mèo cắn. Theo ông Võ Bé Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú Y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, vacxin phòng bệnh dại chó, mèo cho các huyện, thành phố tiêm phòng đạt trên 70% tổng đàn.
Số lượng vacxin dại, các huyện, thành phố nhận từ đầu năm 2024 đến nay để tiêm phòng cho đàn chó, mèo là 13.350 liều. Hiện đã tiêm được 13.350 con chó, mèo, chiếm tỷ lệ 41,4% tổng đàn (tổng đàn 32.283 con). Nhìn chung, công tác tiêm phòng bệnh dại từ đầu năm đến nay còn thấp (dưới 50% tổng đàn), do đang trong quá trình triển khai tiêm phòng.
Cống ngăn mặn 550 tỷ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024
Văn Vũ - Sảnxuất
Công trình âu thuyền Rạch Mọp do Bộ NN-PTNT đầu tư khoảng 550 tỷ đồng tại tỉnh Sóc Trăng, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến vận hành ngăn mặn vào cuối năm 2024.
Âu thuyền Rạch Mọp nằm trên sông Rạch Mọp, ở vị trí giáp ranh giữa xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) và xã Song Phụng (huyện Long Phú). Công trình được đánh giá là cống ngăn mặn lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Cống có chiều rộng thông nước 85m (2 khoang cống và 1 âu thuyền), cổng van cống bằng thép được đóng mở bằng xi lanh thủy lực, hệ thống quan trắc, giám sát tự động…
Ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, đơn vị thi công âu thuyền Rạch Mọp cho biết, hiện công trình đã thực hiện trên 60% khối lượng công việc. Sau khi hoàn thành, âu thuyền Rạch Mọp sẽ góp phần kiểm soát nguồn nước, bảo vệ vùng sản xuất và cơ sở hạ tầng; giảm hiện tượng sụt lún đất, ngập do triều cường và nước biển dâng cho một số địa phương phía bờ Nam Sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.