Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư thúc đẩy sản xuất 1.300ha muối. Việt Nam nhập khẩu hơn 600.000 tấn muối mỗi năm. Lào đề xuất cấm nhập khẩu nông sản. Thương lái tranh nhau mua lúa của nông dân Tiền Giang.
Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư thúc đẩy sản xuất 1.300ha muối
Trọng Linh sx
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về định hướng và giải pháp phát triển ngành muối.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ NN-PTNT tổng rà soát diện tích sản xuất muối của cả nước để đảm bảo nhu cầu muối đến năm 2030 khoảng 2 triệu tấn, cả muối công nghiệp và muối thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch muối đến năm 2030 đạt khoảng hơn 14.000ha, tuy nhiên diện tích muối hiện chỉ còn hơn 8.000ha cho thấy diện tích muối ngày càng thu hẹp, trong đó có nguyên nhân do diện tích nuôi tôm lấn chiếm diện tích sản xuất muối.
Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng dự án thành phần số 7 để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, với nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ đầu tư vốn, hạ tầng, địa phương sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất 1.300ha muối.
Việt Nam nhập khẩu hơn 600.000 tấn muối mỗi năm
Phạm Huy khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ muối nước ta vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn mỗi năm nhưng sức sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng một triệu tấn, chủ yếu là muối ăn. Còn muối cho công nghiệp và y tế vẫn phải nhập khẩu với khối lượng từ 400.000 - 600.000 tấn mỗi năm do muối sản xuất trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, cũng như sức cạnh tranh về giá.
Hiện cả nước có khoảng 21.000 hộ dân làm muối, vào khoảng 33 hợp tác xã muối. Nhưng hiện nay đa phần các hợp tác xã này chưa làm được khâu thu gom, cũng như tìm thị trường cho các hộ làm muối mà chủ yếu diêm dân sản xuất nhỏ lẻ.
Để đạt được mục tiêu năm 2025 - 2030, ngành muối Việt Nam hiện đại, ngang tầm các nước, khu vực, đáp ứng nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu và tiến đến xuất khẩu muối thì những người làm muối cần liên kết chặt chẽ hơn.
Lào đề xuất cấm nhập khẩu nông sản
PHạm Huy khai thác
Bộ Nông lâm Lào vừa đề xuất cấm nhập khẩu một số loại rau quả và sản phẩm nông nghiệp nhằm giúp thúc đẩy việc trồng các loại cây, hoa màu tại nước này, đồng thời giúp giải quyết vấn đề lạm phát cao mà Lào đang phải đối mặt. Theo đó, danh sách các loại rau củ được đề xuất cấm nhập gồm bắp cải, súp lơ, hành tây, tỏi, cà chua, ớt chuông, khoai tây, cà rốt và củ dền đỏ. Việc nhập khẩu một số loại thịt heo, thịt bò và cá cũng nằm trong đề xuất bị cấm, ngoại trừ các loại thịt thịt cừu và đà điểu cao cấp cần thiết cho các nhà hàng, khách sạn. Riêng với hải sản có thể được nhập khẩu nhưng phải được quản lý chặt chẽ theo hạn ngạch và thời hạn sử dụng. Hiện Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản chính của Lào với các mặt hàng như rau quả, bắp, cà phê.
Thương lái tranh nhau mua lúa của nông dân Tiền Giang
Phạm Huy khai thác
Vụ lúa Hè Thu chính vụ nông dân tỉnh Tiền Giang gieo sạ hơn 40 nghìn ha; đối với khu vực phía Đông hơn 23 nghìn ha lúa đã được thu hoạch gần xong với năng suất đạt trung bình khoảng 6 tấn/ha. Riêng khu vực phía Tây đang thu hoạch rộ với năng suất đạt đến 7 tấn/ha. Điều đáng nói là từ đầu vụ đến nay, nông dân Tiền Giang đều bán lúa đạt giá cao nhất trong hơn 10 năm qua. Ở thời điểm này, thương lái đến tận ruộng mua lúa của nông dân giá từ 156.000 – 164.000 đồng/giạ . Theo bà con nông dân, với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí thì người trồng lúa có lãi hơn 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp rưỡi so với vụ trước. Ông Đoàn Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, huyện Cai Lậy cho biết, vụ lúa này thương lái tranh nhau thu mua lúa của nông dân, bà con rất vui khi trúng mùa, trúng giá.