Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Giữ rừng cần một trái tim trong sáng’. Nuôi ốc bươu đen trong bể bạt, lãi 40 triệu đồng/100m2. 90.000 đồng/kg vải u trứng trắng tại vườn. Việt Nam chi gần 560 triệu USD nhập khẩu rau quả.
BỘ TRƯỞNG LÊ MINH HOAN: ‘GIỮ RỪNG CẦN MỘT TRÁI TIM TRONG SÁNG’
Sáng 20/5, Cục Kiểm lâm tổ chức kỷ niệm 50 năm Thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 – 21/5/2023) và đón nhận huân chương lao động hạng nhất. Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến hình ảnh người kiểm lâm đứng trước muôn vàn khó khăn, vất vả vẫn ngày đêm xuyên rừng tuần tra, bảo vệ màu xanh cho đất nước trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Và với truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, “tư lệnh” ngành nông nghiệp tin tưởng rằng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong lực lượng Kiểm lâm Việt Nam tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đoàn kết thống nhất, cần cù sáng tạo, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; xứng đáng lời dạy của Bác Hồ “rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng tin tưởng rằng, những khó khăn chỉ là vấn đề trước mắt. Mỗi kiểm lâm viên tiếp tục gắn bó, đoàn kết, tiếp nối khát vọng đổi mới, giữ gìn cần một trái tim trong sáng và sáng tạo để tiếp tục xây dựng lực lượng Kiểm lâm đạt được nhiều kết quả hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vững vàng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Mô hình nuôi ốc bươu đen trong bể bạc đang phát triển mạnh ở tỉnh Hậu Giang, do kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, chi phí đầu tư thấp, nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Anh Nguyễn Văn Cường ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, con giống phần lớn là mua trứng về ấp, 1kg trứng nở ra khoảng 8.000-10.000 ốc con. Ốc bươu đen rất dễ nuôi, không cần nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn đa phần là rong, bèo, cám. Ngoài ra, với bể bạt diện tích 8m2 có thể nuôi được 3.000 con ốc bươu đen giống, sau 5 tháng nuôi sẽ cho sản lượng gần 100kg ốc thương phẩm, với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, trừ hết chi phí người nuôi cho thu nhập hơn 3 triệu đồng cho một bể nuôi. Phòng nông nghiệp huyện Phụng Hiệp thống kê, năm 2022 toàn huyện chỉ có khoảng 10 hộ nuôi ốc bươu đen trong bể bạt. Tuy nhiên, hiện nay đã tăng lên gấp 10 lần và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
90.000 ĐỒNG/KG VẢI U TRỨNG TRẮNG TẠI VƯỜN
Ghi nhận tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, Loại vải thiều u trứng trắng đang được các HTX bán tại vườn với giá 90.000 đồng/kg vẫn đắt khách. Tại Tổ hợp tác sản xuất vải số 10, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, sản lượng vải sớm năm nay không nhiều, thậm chí còn giảm 20 đến 30% so với năm ngoái. Trong khi nhu cầu thu mua của doanh nghiệp phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là rất lớn. Đến nay, có 5 đơn vị đăng ký thu mua vải của tổ hợp tác, song lượng vải thiều thu được mỗi ngày vẫn không đủ bán. Trên thị trường, vải u trứng trắng tại một số cửa hàng đang bán với giá dao động từ 145.000-180.000 đồng/kg tùy loại. Theo bà Hoàng Thị Thuý Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, diện tích vải toàn huyện năm nay vào khoảng 3.265ha, sản lượng ước đạt 40.000 tấn, trong đó trà vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn. Thời gian thu hoạch trà vải sớm bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, còn trà vải chính vụ bắt đầu từ nửa cuối tháng 6 năm nay.
VIỆT NAM CHI GẦN 560 TRIỆU USD NHẬP KHẨU RAU QUẢ
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 4 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 560 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng gần 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.Trong quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu các loại rau quả chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Myanma, Australia và Campuchia. Các loại rau quả nhập khẩu nhiều nhất gồm: Táo; nho, quýt, tỏi và đậu xanh.Riêng rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 41% trong quý I, trong đó, tỏi và quýt nhập nhiều nhất. Đứng thứ ba là nấm, sau đó tới táo, lê, hành, còn lại là các loại rau quả khác.