Bưởi và chanh Việt Nam chính thức vào thị trường New Zealand. Xuất khẩu tôm hùm tăng 7 lần, đạt 179 triệu USD. Nhiều quốc gia mở cửa với cây trồng biến đổi gen. Cà phê mất mốc 40.000 đồng/kg.
CHANH VÀ BƯỞI CỦA VIỆT NAM CHÍNH THỨC VÀO THỊ TRƯỜNG NEW ZEALAND
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, An ninh sinh học, Thông tin đất đai và Các vấn đề nông thôn New Zealand đã ký kết mở cửa thị trường xuất khẩu chanh và bưởi của Việt Nam sang New Zealand, cùng với đó là tăng cường hợp tác giữa 2 nước trong ngành trồng trọt.Thủ tướng New Zealand bày tỏ, ngành nông nghiệp của hai nước đang đi đầu trong xu hướng định hình tương lai của ngành sản xuất lương thực. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc lịch sử trong mối quan hệ hiệu quả, cùng có lợi và khởi động quan hệ đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp cho thế kỷ tớiVới thông điệp "Đồng hành, kiến tạo, phát triển" và "Tiềm năng của chúng tôi - Cơ hội của bạn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp New Zealand đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và gắn bó mật thiết, dài lâu.Nhân sự kiện này, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận ưu tiên hợp tác giữa TH Truemilk của Việt Nam và Waikato Milking Systems của New Zealand.
XUẤT KHẨU TÔM HÙM TĂNG 7 LẦN, ĐẠT 179 TRIỆU USD
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản – VASEP, sau 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm tăng hơn bảy lần so cùng kỳ năm ngoái, đạt 179 triệu USD, riêng Trung Quốc chiếm 90% thị phần với mức tăng trưởng 3 con số.VASEP nhận định, nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm hùm tăng vọt là do nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tăng cao. Dự báo sức mua sản phẩm này sẽ còn đi lên mạnh trong những tháng cuối năm khi người tiêu dùng nước này chuẩn bị cho lễ, Tết cổ truyền. Cùng với tôm hùm, xuất khẩu tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng 23% đạt gần 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm chỉ tăng mạnh trong nửa đầu năm nhờ giá xuất cao và sức mua phục hồi. Từ quý III, xuất khẩu mặt hàng này đã chững lại so với cùng kỳ năm trước và giảm dần so với những tháng liền kề trước đó.
NHIỀU QUỐC GIA MỞ CỬA VỚI CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN
2022 là năm có nhiều quốc gia ban hành chính sách “mở cửa” đối với giống cây trồng, nông sản biến đổi gen.Điển hình nhất là Kenya, Tổng thống William Ruto thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với giống cây trồng và cho phép nhập khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gen sau 10 năm cấm cản.Sau Kenya, Chính phủ Ghana mới đây cũng nới lỏng các quy định, mở ra nhiều triển vọng đối cây trồng biến đổi gen. Trong tháng 6 năm nay, Ủy ban phê duyệt giống cây trồng quốc gia Trung Quốc ban hành 2 tiêu chuẩn nhằm tạo cơ sở cho việc canh tác cây trồng biến đổi gen ở quốc gia này gồm “chứng nhận an toàn” và “công nhận giống”. Còn tại Indonesia, trong tháng 9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo đã chỉ đạo sớm triển khai hoạt động nhập khẩu và phát triển giống đậu tương biến đổi gen phục vụ cho nhu cầu canh tác và sử dụng trong nước. Đặc biệt, tháng 5 năm nay, Argentina là quốc gia đầu tiên cho phép trồng lúa mì biến đổi gen.
CÀ PHÊ MẤT MỐC 40.000 ĐỒNG/KG
Thị trường cà phê chính thức mất mốc 40.000 đồng/kg khi liên tiếp giảm trong những ngày gần đây. Giá cà phê ngày 16/11 dao động trong khoảng 39.100 - 39.600 đồng/kg, giảm tiếp 500 đồng/kg so với hôm qua.Giới chuyên gia dự báo, trong tháng 11 và 12, giá cà phê nhân trên thị trường thế giới sẽ vẫn ở mức cao. Do đó, người trồng cà phê trong nước có thể kỳ vọng vào một vụ mùa cà phê được mùa, được giá để bù lại chi phí sản xuất tăng cao.