Cá nuôi lòng hồ Thủy lợi Ia Mơr chết bất thường. Bảo vệ kết hợp với phát triển rừng ngập mặn. Siết chặt quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Hoa Kỳ. Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt hơn 7 tỷ USD.
UBND xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân cá nuôi của người dân trong hồ thủy lợi Ia Mơr bị chết hàng loạt.
Trước đó, vào khoảng 18 giờ ngày 9/10, người dân phát hiện cá nuôi trên nhiều lồng bè tại lòng hồ thủy lợi Ia Mơr có dấu hiệu lờ đờ, nổi lên mặt nước. Chỉ khoảng 30 phút sau, các loại cá như cá lăng, cá rô phi và nhiều loại cá khác đã chết hàng loạt tại nhiều lồng bè. Trước tình trạng đó, người dân đã nỗ lực để kéo lồng ra vùng nước sâu hơn nhằm cứu vãn. Tuy nhiên, tình hình cá vẫn tiếp tục chết, trong đó cá lăng bị chết nhiều nhất.
Theo các hộ dân, tình trạng cá chết bất thường đã gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hiện có khoảng 5 đến 7 hộ đang nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr. Hầu hết các hộ dân này đều đến từ các tỉnh miền Tây, chuyển lên đây làm nghề đánh bắt và nuôi cá lồng.
Bảo vệ kết hợp với phát triển rừng ngập mặn
Trung Chánh – Văn Vũ - Sx
Kiên Giang là tỉnh ven biển, nên rừng phòng hộ có vai trò rất quan trọng, nhất là rừng ngập mặn ven biển trong phòng chống thiên tai, chống sạt lở đê biển, bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh.
Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 10.000 ha. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng giao khoán trên 5.900 ha, rừng phòng hộ hơn 4.130 ha, đạt 100% kế hoạch. Các hộ dân nhận giao khoán rừng, ngoài nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, sẽ được khai thác trên diện tích cho phép (khoảng 30%) để phát triển sinh kế, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
Siết chặt quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Hoa Kỳ
Khai thác
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 17/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ.
Thông tư này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng và quản lý lâm sản không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với các nước trong khu vực, phù hợp với các quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, bảo vệ sản phẩm gỗ dán, doanh nghiệp sản xuất gỗ dán của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Hoa Kỳ, giảm thiểu nguy cơ Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt hơn nữa đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Hoa Kỳ điều tra, áp dụng biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thông tư số 17/2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2024.
Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt hơn 7 tỷ USD
Khai thác
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đã đạt 7,2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị kim ngạch quý III đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có những bứt phá đáng kể như cá tra tăng hơn 13%, tôm tăng hơn 17%, cua ghẹ tăng 56%, nhuyễn thể có vỏ tăng đến 95%.
Năm nay, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường. Tính chung trong 9 tháng, xuất khẩu tôm mang về kim ngạch cao nhất với gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị trong quý IV, hầu hết thị trường nhập khẩu đang gia tăng tiêu chuẩn khắt khe nên các doanh nghiệp cần tập trung vào những chứng nhận bền vững để có thể tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh.