Các nghiên cứu lĩnh vực thủy lợi cần gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Lễ hội hoa ban Điện Biên 2023 khai mạc tối ngày 11/3. Trà Vinh khẩn trương ngăn mặn xâm nhập nội đồng. Giá khoai lang liên tục lập đỉnh.
CÁC NGHIÊN CỨU LĨNH VỰC THỦY LỢI PHẢI GẮN VỚI THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Viện khoa học thuỷ lợi Việt Namchiều 9/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, thuỷ lợi là nền tảng, là tiền đề đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp nói riêng và đất nước nói chung. Do đó, những nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ là những cơ sở khoa học sát với thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng trong các quyết sách của Đảng, Nhà nước và công tác điều hành của Bộ NN-PTNT. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam phải tiếp tục đề xuất nhiều đề tài khoa học để hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì và Ba cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc. Nhiều bằng khen của Thủ tướng cũng đã được trao tặng trong dịp này.
LỄ HỘI HOA BAN ĐIỆN BIÊN 2023 KHAI MẠC TỐI NGÀY 11/3
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, Lễ hội hoa Ban 2023 sẽ chính thức khai mạc vào tối ngày 11/3 cùng với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII.Các hoạt động trọng điểm của Lễ hội như: Liên hoan dân ca; diễu hành đường phố chủ đề “Đêm hội hoa Ban”; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch; giới thiệu không gian văn hóa truyền thống của địa phương; không gian phiên chợ vùng cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; chương trình trình diễn di sản Then, Xòe của dân tộc Thái... sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/3.Lễ hội hoa Ban là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2014 vào tháng 3 - mùa Ban nở, nhằm quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh Điện Biên.
TRÀ VINH KHẨN TRƯƠNG NGĂN MẶN XÂM NHẬP NỘI ĐỒNG
Theo kết qua quan trắc môi trường nước từ ngày 6 đến 9/1, độ mặn tại các nhánh sông, trước cửa cống thủy lợi đầu mối trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã liên tục tăng cao từ 7 - 20‰. Tại các vùng nước ngọt trong tỉnh, độ mặn trên một số nhánh sông đã tăng đến mức 3‰.Để bảo vệ cây màu, diện tích các vụ lúa, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương phối hợp thực hiện biện pháp ngăn nước mặn xâm nhập nội đồng. Theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn để thông báo người dân chủ động ứng phó. Vận động, đôn đốc nhân dân trục vớt lục bình, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng để khơi thông dòng chảy và đảm bảo độ sâu trữ nước.Chỉ đạo đơn vị Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức vận hành đóng các cống đầu mối khi độ mặn từ 1‰ trở lên và mở cửa cống lấy nước khi độ mặn giảm dưới 1‰, đảm bảo mực nước ngọt trong nội đồng đạt cao trình tối thiểu +0,5m.
GIÁ KHOAI LANG LIÊN TỤC LẬP ĐỈNH
Cận Tết Nguyên đán Quý Mão, nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL đang rất phấn khởi vì không ít loại nông sản vừa trúng mùa vừa được giá.Nổi bật nhất, tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang đang có sự đảo chiều ngoạn mục khi tăng rất mạnh. Nếu 2 năm vừa qua, giá khoai lang luôn ở mức dưới 100.000 đồng/tạ (60 kg) thì từ đầu tháng 12/2022 đến nay, giá khoai đã liên tục lập đỉnh.Trong đó, khoai lang tím Nhật được thu mua xuất khẩu với giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/tạ, khoai lang trắng 500.000 - 520.000đồng/tạ, khoai lang đỏ 360.000 đồng/tạ, khoai sữa 320.000 đồng/tạ.