Nâng cao nhận thức người dân về sử dụng phân bón hữu cơ. Cải thiện tiêu chuẩn chất lượng tăng sức cạnh tranh gia vị Việt tại EU. Thông quan nông sản qua cửa khẩu tại Lạng Sơn tăng từng ngày. Măng cụt đầu mùa được giá.
NÂNG CAO NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN VỀ SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ
Sáng 6/5, Cục BVTV phối hợp với Hội làm vườn Việt Nam tổ chức hội thảo sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm đề xuất giải pháp để sử dụng phân bón hợp lý hiệu quả trong nghề làm vườn trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng phi mã thời gian gần đây. Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luân về giá trị phân bón, thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ trên cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp… để nâng chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu tới các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng nông sản cao.Ông Nguyễn Xuân Hồng , Chủ tịch hội làm vườn Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng phân bón, khuyến khích sử dựng phân bón hữu cơ, tận dụng những phế phẩm nông nghiệp để chăm sóc cây trông nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến để chống thất thoát phân bón.
CẢI THIỆN TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG TĂNG SỨC CẠNH TRANH GIA VỊ VIỆT TẠI EU
Sáng ngày 6/5 Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị việt, rau quả Việt Nam”, do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ. Dự án được triển khai trong hai năm 2022 – 2023, nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu vào thị trường Châu Âu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị việt, rau quả, từ đó, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Matthieu Penot, tùy viên hợp tác thương mại, Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết, ngành hàng gia vị, rau quả có nguồn gốc từ Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế, song chưa tận dụng được cơ hội, Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lưu lượng thuốc bảo vệ tồn động khiến thị phần tại khu vực EU vẫn còn mờ nhạt.Do đó, dự án sẽ là đòn bẩy cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trong phát triển thị trường có cơ hội tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật để tiếp cận với thị trường và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Khi hoàn thiện đầy đủ các yếu tố về thị trường và kỹ thuật, các sản phẩm nông sản từ Việt Nam chắc chắn sẽ chiếm thị phần lớn và được người tiêu dùng EU ưa chuộng.
THÔNG QUAN NÔNG SẢN QUA CỬA KHẨU TẠI LẠNG SƠN TĂNG TỪNG NGÀY
Theo thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ sau dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đến nay, lượng xe hàng hóa, nông sản xuất khẩu Trung Quốc qua các cửa khẩu Lạng Sơn đang tăng nhanh.Thống kê trong ngày 2/5 và 3/5, mỗi ngày có 139 xe chở hoa quả, nông sản và một số hàng hóa khác được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, trong ngày 4/5, lượng hàng xuất khẩu đạt 149 xe, trong đó có 111 xe chở hoa quả và 38 xe chở các loại hàng hóa, nông sản khác.Trong đó, nhóm hàng trái cây gồm xoài, chuối, dưa hấu, thanh long, sắn, ván bóc, cá… là những mặt hàng được xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn gần đây.
MĂNG CỤT ĐẦU MÙA ĐƯỢC GIÁ
Thời điểm này, cây măng cụt được trồng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã bắt đầu có trái chín cho thu hoạch và được nông dân bán với giá khá cao.Cụ thể, măng cụt đang được thương lái và các vựa thu mua ở mức 65.000-75.000 đồng/kg. Giá bán lẻ trái măng cụt tại nhiều chợ và điểm kinh doanh trái cây ở mức 80.000-90.000 đồng/kg, còn giá bán măng cụt tại một số siêu thị ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg. Măng cụt bán được giá cao do là loại trái cây ngon, đặc sản, được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và trái măng cụt của nước ta cũng được xuất khẩu sang nhiều nước. Trong khi, nguồn hạn chế vì chưa vào mùa thu hoạch trái. Ngoài ra, sản lượng măng cụt tại một số địa phương cũng giảm do nông dân chuyển đổi canh tác.