Cần Thơ là hạt nhân xây dựng liên kết vùng ĐBSCL. Giá thanh long tăng gấp đôi so với tháng trước. Hà Nội đầu tư hạ tầng và xây dựng thương hiệu nông nghiệp. Thủy sản Việt Nam tận dụng EVFTA hồi phục sau đại dịch.
CẦN THƠ LÀ HẠT NHÂN XÂY DỰNG LIÊN KẾT VÙNG ĐBSCL
TP Cần Thơ là một trong những khu vực phát triển động lực, là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan xác định nhiệm vụ xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL” tại TP Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể phát triển của vùng. Đây là mô hình mới, nhận được nhiều sự quan tâm, trong tháng 5 vừa qua, Bộ NN-PTNT cùng với UBND TP Cần Thơ đã tổ chức hội thảo xin ý kiến 13 tỉnh, thành về Dự thảo Đề án. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, diện tích, nguồn lực của 13 tỉnh, thành phố. Trên hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa “Nhà nước - Thị trường - Xã hội”, khởi tạo không gian phát triển mới.
GIÁ THANH LONG TĂNG GẤP ĐÔI SO VỚI THÁNG TRƯỚC
Nhiều nhà vườn phía Nam cho biết giá thanh long ruột trắng bán ra tại vườn hiện trên dưới 22.000 đồng/kg, và ruột đỏ 13.000-17.000 đồng/kg tùy loại, tùy nơi, tăng gần gấp đôi so với mức thấp tháng trước đó. Theo nhiều nhà vườn giá thanh long, đặc biệt thanh long ruột trắng, tăng mạnh chủ yếu do thời điểm này nguồn cung giảm và lượng xuất khẩu đã nhiều hơn. Trung Quốc mở dần cửa khẩu nên lượng thanh long xuất đi thị trường này đã tăng 30-40% so với lúc thấp điểm đầu năm. Tuy nhiên, so với lúc ổn định (trước dịch COVID-19), hầu hết trái cây Việt Nam xuất qua Trung Quốc hiện vẫn còn khiêm tốn.
HÀ NỘI ĐẦU TƯ HẠ TẦNG VÀ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NÔNG NGHIỆP
Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hàng hóa, hướng tới nông nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định. Đến nay, Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung từ 50-300ha/vùng với tổng diện tích hơn 40.000 ha cùng với 5.044 ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ và gần 50 vùng trồng hoa chất lượng cao. Diện tích cây ăn quả của Hà Nội đã lên tới 21.800 ha, tăng 5.180 ha so với năm 2017. Bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn ít. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thủ đô sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
THỦY SẢN VIỆT NAM TẬN DỤNG EVFTA HỒI PHỤC SAU ĐẠI DỊCH
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhu cầu tại EU hồi phục sau dịch Covid -19, lạm phát thực phẩm cao, nên bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát giá, hiệp định thương mại tự do EVFTA càng là yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu sang EU thêm khởi sắc với mức tăng trưởng cao 45% đạt gần 562 triệu USD. Tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU, chiếm 54% với 303 triệu USD Top 3 thị trường nhập khẩu lớn trong khối gồm Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng từ 58 đến 91% nhập khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Cá tra cũng phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng 89% và giá trị đạt 89 triệu USD trong 5 tháng đầu năm.