Cảnh báo lũ đầu nguồn ĐBSCL và nội đồng Tứ giác Long Xuyên. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Cá linh theo dòng nước lũ mang về thu nhập bạc triệu. Mở rộng diện tích trái cây chất lượng cao phục vụ thị trường khó tính.
CẢNH BÁO LŨ ĐẦU NGUỒN ĐBSCL VÀ NỘI ĐỒNG TỨ GIÁC LONG XUYÊN
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam,lũ đầu nguồnsông Cửu Long đang tăng và khả năng đạt đỉnh lũ chính vụ năm 2022 vào ngày 10-11/10. Theo đó, tại Tân Châu đỉnh lũ dầu nguồn ở mức 3,5 -3,65 m, cao hơn mức báo động 1 từ 0,05-0,15 m và cao hơn đỉnh lũ năm 2021 từ 0,77-0,87 m. Tại Châu Đốc, đỉnh lũ ở mức 3,2-3,3 m, cao hơn mức báo động 1 từ 0,2-0,3 m. Trong 24 giờ qua, trên khu vực TP Long Xuyên, huyện Chợ Mới và huyện Phú Tân phổ biến ít mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ đầu nguồn, úng cục bộ một số vùng trũng thấp, vùng ven sông, kênh rạch, các tuyến đường và khu vực có nền đất thấp, các khu vực không có hệ thống đê bao, cống xung yếu tại các huyện An Phú, Tân Châu, TP Châu Đốc, Châu Thành, Tri Tôn, Thoại Sơn.
ĐƯA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Hà Giang hiện đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu gắn với ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển đặc sản của địa phương. Ðiển hình là các mô hình như: thâm canh cải tạo vườn cam sành tại ba huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP tại Ðồng Văn…Bà Phạm Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang, cho biết: Trung tâm đã nhân rộng 32 mô hình sản xuất đại trà, với quy mô hơn 1.200ha, thu hút 3.800 hộ tham gia. Các mô hình đều được tập huấn hướng dẫn khoa học và công nghệ đã giúp người dân sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng tình hình biến đổi khí hậu.
CÁ LINH THEO DÒNG NƯỚC LŨ MANG VỀ THU NHẬP BẠC TRIỆU
Theo quy luật, khi nước từ đầu nguồn đổ về, bà con Vùng đầu nguồn biên giới xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang lại chuẩn bị ngư cụ sẵn sàng cho vụ đánh bắt cá linh. Theo chia sẻ của nhiều nông dân, chỉ trong một tuần trở lại đây, trung bình hằng ngày mỗi xuồng đánh bắt được 40-80 kg cá linh. Được thương lái trả giá khoảng 20.000đ cho mỗi kg, bà con cũng thu lợi được trên dưới 1 triệu đồng một ngày. Nhiều nông dân ở các tỉnh lân cận cũng đưa xuồng ghe lên tận vùng biên giới để mưu sinh trong những ngày lũ về. Toàn xã Phú Hội hiện có trên 2.600 hộ dân, khoảng 40% trong tổng số hộ chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi. Chính quyền xã Phú Hội cũng triển các chương trình hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang bị phương tiện, ngư cụ đánh bắt thủy sản.
MỞ RỘNG DIỆN TÍCH TRÁI CÂY CHẤT LƯỢNG CAO PHỤC VỤ THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH
Theo Sở NN&PTNT Gia Lai, tỉnh có 230.000 HA tương đương với 41% diện tích gieo trồng, được sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Cùng với đó, Gia Lai cũng đã được công nhận 55 mã vùng trồng các sản phẩm cây ăn trái, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Một số sản phẩm như cà phê, chanh leo của tỉnh đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU. Theo kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ tăng diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn được chứng nhận khoảng 5.000 ha/năm, nâng cao chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Số liệu thống kê cho thấy, nông sản là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai, với giá trị kim ngạch 500 triệu USD/năm và có tốc độ tăng trưởng vượt bậc qua từng năm.