Miền Trung sắp bước vào đợt mưa lớn dữ dội. Quảng Trị: Nhiều vườn tiêu bị chết do ngập úng. Giá hồ tiêu và cà phê giảm mạnh. Nghề đan cỏ bàng giúp đồng bào Khmer có thu nhập ổn định.
Bắt đầu từ ngày mai 3/11, miền Trung sẽ bước vào đợt mưa lũ đỉnh điểm, vùng ảnh hưởng lớn, bao trùm cả khu vực. Mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng có thể lớn hơn đợt mưa lũ do bão Trà Mi gây ra những ngày cuối tháng 10 vừa qua, kéo theo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt diện rộng. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nguyên nhân là do vùng xoáy thấp trên biển Đông kết hợpkhông khí lạnh, nhiễu động gió Đông và địa hình đón gió của dãy Trường Sơn sẽ tạo ra một đợt mưa lớn dữ dội ở các tỉnh miền Trung. Mưa lớn không chỉ tập trung ở chính các tỉnh đã có mưa rất lớn những ngày qua còn mở rộng ra phần phía Nam, từ Quảng Nam đến Phú Yên. Trong đó, chỉ tính riêng từ ngày 3-5/11, lượng mưa ở Bắc và Trung Trung bộ phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm, riêng Hà Tĩnh đến Đà Nẵng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ kéo dài trong những ngày tới để giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
QUẢNG TRỊ: NHIỀU VƯỜN TIÊU BỊ CHẾT DO NGẬP ÚNG
Biên tập: Võ Dũng
Trong khi đó, sau bão số 6, nhiều vườn hồ tiêu tại xã Gio An huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị xuất hiện nhiều mạch nước ùn từ dưới lên, chảy tràn trên mặt đất. Hiện đã xác định được 3ha hồ tiêu bị vàng, héo, rụng lá, nguy cơ chết rất cao. Nếu trời tiếp tục mưa thì diện tích hồ tiêu chết có thể lên tới 10 ha. Đây là vùng tiêu hữu cơ của tình Quảng Trị. Năm 2020, các mạch nước cũng xuất hiện khiến 20 ha hồ tiêu bị chết, 60 ha bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng, phải một thời gian dài mới khắc phục được. Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tạo hệ thống thoát nước; không để nước chảy qua gốc, kiểm tra bộ rễ, xử lý để hạn chế lây lan nấm bệnh. Bên cạnh đó, nông dân cần phòng trừ bệnh thối gốc và tuyến trùng gây hại; tăng cường chăm sóc, bón phân đúng thời điểm để cây hồ tiêu phát triển.
GIÁ HỒ TIÊU VÀ CÀ PHÊ GIẢM MẠNH
Biên tập: Hải Đăng
Giá hồ tiêu trong nước hôm nay ở các vùng trọng điểm giảm 1.000 - 1.300 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể tại tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu giao dịch quanh mốc 140.000 -141.200 đồng/kg. Trong khi đó tại Tây Nguyên, giá tiêu tại Đắk Lắk được thu mua ở mức 141.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) thu mua ở mức 140.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, già cà phê cũng giảm tới 1.500 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 107.600 đồng/kg.
NGHỀ ĐAN CỎ BÀNG GIÚP ĐỒNG VÀO KHMER CÓ THU NHẬP ỔN ĐỊNH
Thực hiện: Văn Vũ
Nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ của đồng bào Khmer đã có từ nhiều thế kỷ trên vùng biên giới thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Hiện tỉnh đang triển khai Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ góp phần gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan làng nghề thủ công. UBND huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã quyết định thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ với tổng diện tích khoảng 2.700 ha. Khu bảo tồn đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 hộ dân tại địa phương, trong đó có 90% là bà con người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, khu bảo tồn đã phối hợp với Hội Sếu quốc tế thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình trồng cỏ bàng trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ”; nhằm phát triển bền vững nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ.