Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Gặp khó khi tìm kiếm mã số vùng trồng bưởi da xanh. 43% chuối nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Việt Nam. Sầu riêng đầu vụ được giá.
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nhằm góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Ngoài ra Nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khác của Đề án là chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm, các dự án về công nghệ, dịch vụ.
GẶP KHÓ KHI TÌM KIẾM MÃ SỐ VÙNG TRỒNG BƯỞI DA XANH
Dù Bộ NN-PTNT đã mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho trái bưởi da xanh ở những bước cuối cùng, tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp gặp khó khi tìm kiếm mã số vùng trồng.Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề 'Tăng cường giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam', đại diện một số đơn vị xuất khẩu cho biết, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn khi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất bán sang Hoa Kỳ do bị trùng lặp với các đơn vị, doanh nghiệp khác. Một số doanh nghiệp nhận định, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm đang gây bất tiện lớn cho doanh nghiệp khi liên tục xin cấp lại chứng nhận, vô hình chung làm cho công tác bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế chậm trễ.Ngoài ra, một doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số.
43% CHUỐI NHẬP KHẨU CỦA TRUNG QUỐC ĐẾN TỪ VIỆT NAM
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,4 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ do Trung Quốc giảm nhập khẩu nhiều mặt hàng.Tuy nhiên, chuối lại là mặt hàng có bước tăng tưởng vượt bậc. Trong 5 tháng đầu 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.Giới chuyên gia nhận định, thời gian tới Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu chuối Việt Nam do diện tích trồng chuối của quốc gia đông dân nhất thế giới giảm bởi chi phí đầu vao, nhân công tăng cao.
SẦU RIÊNG ĐẦU VỤ ĐƯỢC GIÁ
Nông dân trồng sầu riêng tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đang rất phấn khởi nhờ sản lượng cao và giá bán ổn định.Hiện sầu riêng Ri6 có giá bán tại vườn dao động từ 35.000 - 38.000 đồng/kg, sầu riêng Đô Na từ 65.000 - 70.000 đồng/kg.Toàn huyện Đạ Huoai hiện có gần 4.200 ha sầu riêng với các giống ghép như Dona, Monthong và Ri6. Trong đó, 2.500 ha cho thu hoạch, năng suất mỗi năm đạt khoảng 19 - 20 tấn/ha, cá biệt có một số vườn lâu năm cho năng suất 30 - 35 tấn/ha.