Chủ động mọi phương án phòng chống bão số 1. Chính quyền cấm, người dân vẫn ra đồng cấy ‘chạy’ bão. Toàn bộ tàu cá ở Thái Bình đã về bờ trú ẩn ở nơi an toàn. Nam Định: Đảm bảo an toàn đê điều và tàu thuyền.
Chủ động mọi phương án phòng chống bão số 1
Nguyễn Thành sx
Sáng ngày 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 1 tại Quảng Ninh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, trong các tình huống về mưa bão, Quảng Ninh luôn là địa phương có công tác chuẩn bị rất tốt. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát từ cấp tỉnh đến cơ sở rất chặt chẽ, hiệu quả. Điều này đã góp phần giảm thiểu các thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đặc biệt, sau bão sẽ là ảnh hưởng từ hoàn lưu, gây mưa lớn, khu vực Quảng Ninh dự báo lượng mưa đạt 300mm – 400mm, do vậy, mọi phương án ứng phó phải được chủ động. Tỉnh cần tiếp tục tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, thực hiện giám sát các tàu, thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, không để người dân ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa đảm bảo; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn...
Chính quyền cấm, người dân vẫn ra đồng cấy ‘chạy’ bão
Đinh Mười sx
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, trước khi bão số 1 đổ bộ, toàn TP Hải Phòng đã có hơn 15.000 ha diện tích lúa đã cấy, diện tích lúa có khả năng ngập úng sau bão là 3.500 ha.Theo kế hoạch, các địa phương sẽ cấy tập trung từ ngày 5/7 đến 20/7/2022, theo đúng cơ cấu lịch thời vụ. Mặc dù chính quyền thành phố Hải Phòng cấm người dân không được ra đồng cấy để tránh bão và tránh nguy cơ lúa mới cấy bị thiệt hại do ngập úng, tuy nhiên nhiều người dân tại các địa phương vẫn ra đồng để cấy “chạy bão”.Còn lại, các hộ trồng na, chuối,… thì tranh thủ chằng chống để hạn chế thiệt hại xảy ra. Các hộ nuôi trồng thủy sản thì gia cố bè, hạ mực nước đệm, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ.
Toàn bộ tàu cá ở Thái Bình đã về bờ trú ẩn ở nơi an toàn
Toán Nguyễn sx
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, 2 huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy có tổng cộng hơn 1.000 tàu, thuyền đánh cá và gần 2.900 lao động. Đến sáng ngày 18/7, toàn bộ số tàu, thuyền nói trên đã về bờ trú ẩn ở nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cũng đã trực tiếp đi xuống cơ sở kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 1. Yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng các phương án ứng phó bảo đảm an toàn về mọi mặt, nhất là những vị trí đê xung yếu, các công trình đang thi công; phân công cán bộ phụ trách bám sát địa bàn 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
NAM ĐỊNH: BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐÊ ĐIỀU VÀ TÀU THUYỀN
Minh Sáng sx
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 1 gây ra, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, các trọng điểm đê kè xung yếu và các hoạt động đánh bắt, sản xuất, kinh doanh, du lịch; thực hiện phương án bảo vệ phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bằng mọi hình thức thông tin kịp thời diễn biến của bão, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, tránh bão. Đặc biệt đối với các xã ven biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Nam Định cũng đã ban hành lệnh cấm các hoạt động đối với các phương tiện tàu, thuyền đến khi có tin bão cuối cùng.