Chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ. Quảng Bình đang kêu gọi gần 600 tàu trên biển tránh trú bão số 3. Quỹ Khuyến học GrowMax đến với học sinh Khánh Hòa và Bến Tre. Nghề ném mạ tại vùng lúa - tôm thu nhập 500.000 đồng/ngày.
Rốt ráo chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ
Đinh Mười sx
Bạch Long Vỹ là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, trên đảo có hơn 1.000 dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và hậu cần nghề cá. Nơi đây sẽ đón gió mạnh đầu tiên nếu bão đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ cùng các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão. Cụ thể, phối hợp Trạm Ra đa 490 nắm các phương tiện đang hoạt động trên biển, đồng thời cùng với địa phương thông báo cho Thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết, nắm diễn biến của bão, chủ động di chuyển, vòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Theo thống kê, huyện Bạch Long Vĩ có 113 phương tiện với 216 lao động làm nghề biển, trong đó có 75 phương tiện với 98 lao động đã vào neo đậu tại Âu cảng Bạch Long Vĩ; 12 phương tiện đã vào Bến thuộc thành phố Hải Phòng; đã đưa lên bờ 27 phương tiện với 31 lao động; còn 26 phương tiện đang hoạt động trên biển...
Quảng Bình đang kêu gọi gần 600 tàu trên biển tránh trú bão số 3
Tâm Phùng sx
Trước diễn biến của bão số 3, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống trước khi bão đổ bộ. Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 7.300 phương tiện với gần 19.000 lao động. Trong đó, neo đậu tại bến trên 6.700 phương tiện. Đến ngày 5/9/2024, có gần 600 phương tiện với trên 2.100 lao động đang hoạt động trên biển. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình thời tiết; phối hợp địa phương và gia đình thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động trên biển nắm diễn biến của bão để tìm nơi tránh trú hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Quỹ Khuyến học GrowMax đến với học sinh Khánh Hòa và Bến Tre
Kim Sơ sx
Trong ngày khai giảng năm học mới, sáng 5/9, Quỹ khuyến học GrowMax do Tập đoàn GrowMax và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp đã trao tặng 25 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, xã Vạn Hưng và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực, xã Vạn Khánh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc miền Trung 2 - Tập đoàn GrowMax cho biết, hoạt động không đơn thuần là trao những phần quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mà còn thể hiện nét đẹp truyền thống tương thân tương ái tiếp sức cho các em có thêm động lực tiếp bước đến đường đầu năm học mới. Quỹ khuyến học GrowMax được thành lập vào tháng 8/2022 dành cho các em học sinh nghèo tại các địa phương ven biển trên cả nước, với tổng số tiền 8 tỷ đồng. Đến nay quỹ đã trao hàng trăm suất học bổng, xe đạp cho các học sinh tại nhiều tỉnh thành.
Cũng trong sáng nay, tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn thủy sản Growmax trao tặng 10 chiếc xe đạp cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường trung học cơ sở thị trấn Ba Tri.
Nghề ném mạ tại vùng lúa - tôm thu nhập 500.000 đồng/ngày
Vawn Vũ sx
Từ khoảng tháng 7 - 8 (Âm lịch) hàng năm, vùng lúa - tôm ở huyện Thới Bình (Cà Mau) lại vào vụ cao điểm. Nhiều năm nay, hình thức ném mạ thay cho hình thức cấy lúa mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Theo người dân, tận dụng bờ vuông gieo mạ được khoảng 25 ngày tuổi rồi nhổ rải đều xuống vuông tôm để cho nhân công tiến hành ném. Sau khi nhổ mạ, nông dân không nên ném liền mà để mạ từ 2 đến 3 đêm dưới ruộng cho ra rễ trắng mới ném. Mạ phải ném với khoảng cách khoảng 20cm. Hiện tại, một người bình thường có thể ném được 2 công đất, thu nhập từ 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Trạm Khuyến nông huyện Thới Bình cho biết, ném mạ có nhiều ưu điểm vượt trội do không cần phải làm sạch đất chân mạ, đặc biệt là cây lúa sẽ phát triển tốt sau khi ném.