Chuẩn hoá nông sản nội địa quan trọng như sản phẩm xuất khẩu. Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự báo. Cả nước nhập khẩu 1 tỷ USD phân bón. Giá heo hơi tiếp tục giảm.
CHUẨN HÓA NÔNG SẢN NỘI ĐỊA QUAN TRỌNG NHƯ SẢN PHẨM XUẤT KHẨU
Tối 22/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị thuộc Bộ, Sở NN-PTNT một số địa phương cùng đại diện các nhà bán lẻ, hiệp hội ngành hàng để trao đổi về công tác quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản.Bộ trưởng cho rằng, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng dễ dãi, trong cả cung và cầu các mặt hàng nông sản. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ từ nay tới cuối năm là chuẩn hóa nông sản tại thị trường trong nước, chuẩn hóa bắt đầu từ các chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối...Để làm được điều này, ngoài việc Các cơ quan chuyên môn cần rà soát tất cả tiêu chuẩn, quy định, chế tài, tam giác phát triển thị trường – nhà nước – xã hội cũng cần thể hiện trách nhiệm trong việc cung ứng nông sản chất lượng và đảm bảo an toàn.
KINH TẾ VIỆT NAM PHỤC HỒI NHANH HƠN DỰ BÁO
Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.Cụ thể, quý II có mức tăng trưởng GDP đạt 7,7% và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020 dù vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.Do vậy, ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với GDP tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023 trong khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á.
CẢ NƯỚC NHẬP KHẨU 1 TỶ USD PHÂN BÓN
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8, cả nước nhập khẩu 246 nghìn tấn phân bón, tương đương 112,5 triệu USD. Giá trung bình 457,4 USD/tấn, giảm 28,6% về lượng, nhưng tăng 4% kim ngạch và tăng mạnh 45,6% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 2,2 triệu tấn phân bón, trị giá trên 1 tỷ USD, giảm gần 31% về khối lượng, nhưng tăng 12,2% về kim ngach.Hầu hết các thị trường xuất khẩu phân bón chính vào Việt Nam như Nga, RCEP, CPTPP đều ghi nhận mức giảm về lượng nhưng tăng về kim ngạch và giá.
GIÁ HEO HƠI TIẾP TỤC GIẢM
Giá heo hơingày 23/9 tiếp tục giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg tại cả ba khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và khu vực miền Nam với mức thu mua ở ngưỡng 56.000 - 64.000 đồng/kg.Các chuyên gia nhận định, giá heo hơi hạ nhiệt có sự ảnh hưởng không nhỏ bởi nhiều doanh nghiệp lớn đổ hàng nghìn tỷ đồng đầu tư mảng chăn nuôi, nhất là nuôi heo khi quy mô thị trường này được dự báo lên đến 15 tỷ USD.