Chuối Việt Nam chỉ chiếm 0,6% thị phần tại Nhật Bản. Đề nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc. Hơn 20 hồ, đập thủy lợi ở Lâm Đồng bị xâm hại giữa cao điểm mùa khô. Văn hóa Sa Huỳnh sắp đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
CHUỐI VIỆT NAM CHỈ CHIẾM 0,6% THỊ PHẦN TẠI NHẬT BẢN
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, qua trao đổi với một số hệ thống nhập khẩu, phân phối Nhật Bản, quả chuối của Việt Nam được đánh giá rất cao.Trên thị trường Nhật Bản, chuối Philippine chiếm tới 60%, chuối Việt Nam mới chỉ chiếm 0,6% thị phần. Hiện nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam thay thế chuối Philippine bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng chuối Việt Nam thơm ngon và tăng lượng mua sản phẩm này.Do vậy, đây cũng là mặt hàng được thương vụ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong thời gian tới.Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng khuyến cáo: Đây là thị trường khó tính nhất nhì thế giới, muốn xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần có bước chuẩn bị kỹ lưỡng.
ĐỀ NGHỊ BÃI BỎ HẠN NGẠCH ĐỐI VỚI TÔM VIỆT NAM NHẬP KHẨU VÀO HÀN QUỐC
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) – ông Trương Đình Hòe vừa ký công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc.Theo đó, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm tôm Việt Nam. Mỗi năm, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt 400-500 triệu USD.Tuy nhiên, qua phản ánh từ doanh nghiệp, hiện nay ở Hàn Quốc, chi phí để có được hạn ngạch nhập khẩu tôm theo VKFTA thông qua cơ chế đấu thầu đã tăng đến khoảng 14-16% so với giá trị nhập khẩu.Các nhà nhập khẩu cho rằng, dù áp dụng VKFTA nhưng tôm Việt Nam khi nhập khẩu vào Hàn Quốc họ vẫn phải trả thuế từ 14 đến 20% khiến các nhà nhập khẩu không còn động lực tăng mua.
HƠN 20 HỒ, ĐẬP THỦY LỢI Ở LÂM ĐỒNG BỊ XÂM HẠI GIỮA CAO ĐIỂM MÙA KHÔ
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 24 hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi bị người dân và tổ chức lấn chiếm với nhiều hình thức.Phổ biến nhất là nạn xây dựng công trình nhà cửa, mở quán cà phê, sản xuất nông nghiệp trong hành lang bảo vệ hồ. Một số trường hợp khác xâm phạm công trình mặt đập chứa nước hoặc kênh dẫn nước. Diện tích đất hoặc mặt nước bị xâm chiếm từ vài chục đến hàng nghìn mét vuông mỗi vụ.Đáng lưu ý, hầu hết những vụ xâm chiếm các hồ thủy lợi nói trên đều được cơ quan chức năng địa phương phát hiện nhưng chưa xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng lớn đến công năng của hồ. Việc giảm diện tích công trình thủy lợi khiến nhiều cánh đồng, vườn tược khô khát nước, đặc biệt vào cao điểm mùa khô hạn.
VĂN HÓA SA HUỲNH SẮP ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT
Ngày 24/3/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, ngoài buổi lễ chính thức, tỉnh sẽ tổ chức một số hoạt động chào mừng gồm: Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, tổ chức chỉnh trang Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh và trưng bày di sản Văn hóa Sa Huỳnh, chương trình tham quan du lịch Văn hóa Sa Huỳnh.Văn hóa Sa Huỳnh là một ba trung tâm văn minh ở thời đại kim khí, phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam. Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.