Lấy cộng đồng bản địa làm gốc, phát huy đa giá trị từ kinh tế rừng. Tây Ninh mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Mới xuất khẩu được 240 tấn hành trên tổng số 200.000 tấn. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đổi tên. Syngenta Việt Nam ra mắt sản phẩm mới. STP group hạ thủy cụm lồng bè thủy sản kết hợp du lịch.
LẤY CỘNG ĐỒNG BẢN ĐỊA LÀM GỐC, PHÁT HUY ĐA GIÁ TRỊ TỪ KINH TẾ RỪNG
Chiều 17/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với VQG Cát Tiên và đến thăm 2 tổ cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, S’tiêng của xã Tà Lài huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Đây là 2 tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cho VQG Cát Tiên. Bộ trưởng ghi nhận nỗ lực quản lý và bảo vệ rừng của Ban quản lý VQG Cát Tiên nói chung và các cộng đồng nhận khoán nói riêng. Hiện Ban quản lý thực hiện rất tốt dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, nhưng Bộ trưởng yêu cầu Ban quản lý VQG Cát Tiên cần tiếp tục hỗ trợ bà con cộng đồng bản địa phát triển hiệu quả du lịch sinh thái rừng nhằm cải thiện và nâng cao đời sống theo hướng bền vững. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, lực lượng kiểm lâm ngày nay không chỉ làm công việc quản lý nhà nước thực thi nhiệm vụ giữ rừng mà cần phát huy đa giá trị, đa mục tiêu từ kinh tế rừng. kinh tế rừng
TÂY NINH MỜI GỌI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO – Minh Sáng
Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức họp bàn góp ý về dự thảo kế hoạch tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vào tỉnh Tây Ninh năm 2023”.
Tham dự buổi họp có đại diện các Sở ban ngành tỉnh Tây Ninh, đại diên Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - Eurocham, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn và Báo NNVN.
Ông Kiều Công Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết, hội nghị nhằm tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của Tây Ninh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, tỉnh sẽ mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược có uy tín và năng lực đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự kiến Hội nghị sẽ diễn ra vào quý 3, năm 2023.
MỚI XUẤT KHẨU ĐƯỢC 240 TẤN HÀNH TRÊN TỔNG SỐ 200.000 TẤN
Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 với Chủ đề “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím” diễn ra chiều 17/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua thống kê, xuất khẩu củ hành 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm.
Thông qua Diễn đàn, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các vị Tham tán Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng mong muốn sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm này.
Là khu vực sản xuất hành tím lớn nhất cả nước với diện tích gieo trồng hàng năm tới 6.500 ha, cho sản lượng trên 90.000 tấn, Tuy nhiên, thời gian qua, Sóc TRăng đã và đang gặp nhiều khó khăn ở khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này.
Do đó để nâng cao giá trị, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ hành tím của tỉnh Sóc Trăng, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, địa phương cần tạo mọi điều kiện để phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm hành. Cập nhật thông tin và thị hiếu tiêu dùng của các thị trường trên Thế giới; xây dựng các vùng trồng theo hướng hữu cơ để được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến.
HIỆP HỘI HỒ TIÊU VIỆT NAM ĐỔI TÊN – Nguyễn Thủy
Ngày 17/3, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức Đại hội bất thường đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.
Tại đại hội, các đại biểu cũng bầu ra ban chấp hành mới với 21 thành viên. Trong đó, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.
Về định hướng hoạt động của Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam trong thời gian tới, bà Hoàng Thị Liên cho biết, hiệp hội sẽ đi theo hướng phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị, nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được chọn lựa đầu tiên trong chuỗi cung cấp gia vị toàn cầu.
Hiệp hội đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gia vị lên khoảng trên dưới 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000-500.000 tấn.
SYNGENTA VIỆT NAM RA MẮT SẢN PHẨM MỚI – Hồ Thảo
Phát biểu tại sự kiện ra mắt sản phẩm Incipio® 200SC với công nghệ mới PLINAZOLIN®, chiều 17/3, ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết: Với cơ chế tác động tiên tiến công phá hiệu quả tính kháng sâu hại, công nghệ PLINAZOLIN® khắc phục các điểm yếu kháng thuốc của các thuốc trừ sâu khác trong việc quản lý sâu cuốn lá gối lứa. Đồng thời, Incipio® 200SC cũng giúp bảo vệ năng suất, giảm thiểu số lần phun thuốc và chi phí sản xuất, giúp bà con an tâm sản xuất với hiệu quả cao nhất.
Việc ra mắt công nghệ mới PLINAZOLIN® là minh chứng cho cam kết của Syngenta trong đẩy mạnh các hoạt động đầu tư giải pháp sáng tạo và hiệu quả nhằm nâng cao năng suất cây trồng theo cách bền vững và có trách nhiệm với môi trường.
STP GROUP HẠ THỦY CỤM LỒNG BÈ THỦY SẢN KẾT HỢP DU LỊCH – Quang Linh
Ngày 17/03, Tập đoàn Super Trường Phát - STP Group tổ chức Tại Lễ hạ thủy “Cụm lồng bè nuôi trồng thủy sản” tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phạm Quốc Chính- Chủ tịch hội đồng quản trị STP group khẳng định, việc áp dụng lồng nhựa HDPE và vật liệu tích hợp trong công nghệ cao, kết hợp với xu hướng nuôi thủy sản trên biển bền vững sẽ là những mô hình cho tương lai.
Theo ông Phạm Quốc Chính, hiện nay, có nhiều giải pháp để chuyển giao từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ cao, bền vững cho bà con.
Đơn cử như STP Group đang kết hợp cùng ngư dân Hải Phòng, chuyển đổi từ nuôi thủy sản trên biển theo dạng truyền thống sang công nghiệp.
Đặc biệt, Dù chi phí đầu tư cao nhưng độ bền chắc, thời gian sử dụng lại gấp nhiều lần vật liệu truyền thống và tránh gây ô nhiễm môi trường.