Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước ngọt. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bất ngờ với thu nhập nhờ thay đổi đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt
Đây là diện tích nuôi các loại cá nước ngọt của ông Trần Văn Thắng ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ từ chuyển đổi mô hình 2 sào đất lúa sâu trũng cho hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2022, ông Thắng đã mua giống cua đồng về thả nuôi. Sau 5 tháng, mô hình nuôi cua đồng của ông Thắng bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch với dự kiến, 2 sào mặt nước có thể cho sản lượng khoảng 4 đến 5 tạ cua. Với giá bán như hiện nay khoảng 80.000đ/kg, gia đình ông Thắng sẽ có thu nhập từ 30-40 triệu đồng.
Ông Trần Văn Thắng, Thôn Nhật Lê, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ
Mặc dù năm nay mưa nhiều, khi đang lột xác có sự hao hụt nhưng qua quá trình thực nghiệm nuôi, bước đầu còn khó khăn khâu kỹ thuật. Còn đến lúc thu hoạch thì thấy như vậy là đạt được hiệu quả, lợi nhuận cao hơn cá nước ngọt. Hiện nay đầu ra rất dễ, nhập đi Hà Nội có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu, giá cả thì theo mùa, lúc nào cũng bán được.
Còn tại thôn Nhật Lệ, anh Trần Công Hiếu cũng chuyển diện tích đất lúa của gia đình sang nuôi ốc bươu đen. Con ốc là một đối tượng nuôi mới có khả năng thích nghi tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại thủy sản truyền thống. Với khoảng 2.000m2 vừa nuôi ốc giống vừa ốc thương phẩm, anh Hiếu dự kiến sẽ thu về 600 triệu đồng mỗi năm. Anh Hiếu chia sẻ, mỗi kg ốc bươu giống hiện nay đang được bán với giá từ 3 đến 4 triệu đồng.
Anh Trần Công Hiếu
Sau 3 tháng nuôi thử nghiệm con ốc bươu đen tôi cảm thấy nó phát triển tốt, phù hợp với khí hậu ở đây. Con ốc bươu đen dễ chăm, thức ăn sạch và khi mang về nuôi ở đây thì con ốc phát triển rất tốt. Với diện tích 2 nghìn m2 này tôi thả khoảng 300 nghìn con, thu nhập mỗi năm 600 triệu đồng
Huyện Cam Lộ có 120 ha mặt nước, chủ yếu nằm ở các xã thuộc vùng thấp trũng như Thanh An, Cam Thủy, Cam Hiếu. Trước đây, bà con chủ yếu là nuôi cá nước ngọt theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra khó khăn. Mấy năm trở lại đây, huyện Cam Lộ đã mạnh dạn chuyển đổi đưa một số đối tượng nuôi mới vào nuôi thử nghiệm để bà con nhân rộng như cua đồng, tôm càng xanh, ốc bươu đen. Quá trình chuyển đổi, địa phương đã có chính sách khuyến khích như hỗ trợ một phần con giống, thức ăn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Qua đánh giá, các đối tượng nuôi mới này đều phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, huyện Cam Lộ cũng khuyến khích bà con nhân rộng.
Trạm sẽ lên kế hoạch cũng như tham mưu với UBND huyện Cam Lộ thực hiện chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản như xây dựng trình diễn các mô hình, ngoài ra chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật như công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động bà con áp dụng các quy trình kỹ thuật nhằm đưa vào phương thức nuôi mới, đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Việc chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản phù hợp mà huyện Cam Lộ đang thực hiện sẽ giúp bà con nông dân khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế; biến những vùng trũng, đầm lầy hay vùng sản xuất lúa bấp bênh sang diện tích nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình. Biến những bất lợi về địa hình, thổ nhưỡng thành những lợi thế để phát triển kinh tế.