Thủy sản mắt xích trong chuỗi kinh tế tuần hoàn
Hậu Giang có diện tích đất nông nghiệp gần 139.068 ha đất nông nghiệp, với lợi thế về sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản. Đặc biệt là phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, với diện tích thả nuôi 8.138 ha mặt nước. Nhiều loài thủy sản nước ngọt đã được nông dân Hậu Giang nuôi thâm canh mang lại giá trị kinh tế cao, như: cá thát lát, sặc rằn, cá rô đầu vuông, lươn…
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, thực hiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Riêng trong năm 2022 đã có nhiều mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó nuôi thủy sản được xem là mắt xích quan trọng.
Theo ông Tân, để giá trị thủy sản ngày càng nâng cao thì không thể thiếu công nghệ để áp dụng vào trong sản xuất và đồng thời cũng phải tạo ra sản phẩm an toàn và truy nguyên được nguồn gốc, giúp người tiêu dùng ngày càng an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp. Các mô hình mà Trung tâm thực hiện, chuyển giao cho nông dân đạt hiệu quả khá cao. Mô hình nuôi lươn không bùn trên bể với mật độ cao, kết hợp kiểm soát dư lượng và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, giúp nông hộ nuôi lươn sau khi trừ chi phí có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/100 m2 bể nuôi lươn.
Ngoài ra, những vùng đất trồng lúa 2 vụ thì kết hợp thêm 1 vụ nuôi cá ruộng. Các mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân từ 10-15 triệu đồng/ha, thay vì làm lúa vụ 3 bấp bênh trong mùa nước nổi.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã chọn nuôi ghép cá thát lát với sặc rằn trong chuỗi kinh tế tuần hoàn của trang trại.
Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc Công ty cho biết, từ nguồn phụ phẩm là rơm, đơn vị đã phát triển chăn nuôi bò, trồng nấm, rồi thu phân bò, rơm mục để nuôi trùn quế. Thu hoạch trùn quế nuôi cá, gia cầm. Phân trùn quế lại trồng cây nuôi bò. Ngay cả nước thải nuôi cá cũng được tận thu xử lý. Tất cả tạo thành vòng tròn khép kín, không gây ô nhiễm môi trường.
Liên kết chuỗi giá trị thủy sản bền vững
Phát triển thành công với con cá thát lát đặc sản Hậu Giang, Hợp tác xã (HTX) Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) được xem là điển hình về xây dựng chuỗi giá trị thủy sản bền vững.
Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như khẳng định, để thành công thì điều quan trọng đối với các HTX là phải xây dựng theo chuỗi quy trình khép kín và thắt chặt mối liên kết quan hệ hữu cơ giữa “4 nhà”. Xây dựng mô hình phát triển HTX liên kết kiểu mới gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc HTX Kỳ Như cho biết, từ năm 2019 đơn vị bắt đầu chuyển đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm theo quy chuẩn OCOP, trên cơ sở phát triển có sự chọn lọc từ những sản phẩm chủ lực của mình. Kết quả cả 8 sản phẩm tham gia đều được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, đạt mức phân hạng 4 sao. Năm 2022, HTX Kỳ Như tiếp tục đăng ký đánh giá thêm 3 sản phẩm mới. Những sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, đã tạo điều kiện để sản phẩm của HTX có chỗ đứng vững vàng trên thị trường, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Các đối tác tự tìm đến yêu cầu được làm đại lý phân phối sản phẩm của Kỳ Như thay vì trước đây HTX phải bôn ba tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, chúng tôi đã mở rộng nhà xưởng, vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của khách hàng gần xa. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt, HTX Kỳ Như đã góp phần đảm bảo đầu ra cho hàng chục ha nuôi cá nguyên liệu của các hộ nông dân trong chuỗi liên kết, đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương.
Sau khi các sản phẩm chế biến từ cá thát lát của HTX Kỳ Như đạt tiêu chuẩn OCOP, thương hiệu được nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng biết đến nên HTX liên tục nhận được nhiều hợp đồng cung cấp với số lượng lớn. Nữ Giám đốc Nguyễn Kim Thùy phấn khởi thông tin: “Hiện nay, trung bình mỗi tháng chúng tôi cung ứng cho thị trường lên đến 18 tấn thành phẩm chế biến từ cá thát lát, tương đương 220 tấn/năm. Số lượng này cao gấp 3 lần so với trước đây khi chưa đạt chuẩn OCOP”.