| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển - Cộng đồng phải thay đổi để thích ứng: [Bài 6] Ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE hết lo sợ bão

Thứ Hai 12/09/2022 , 11:42 (GMT+7)

Để lồng bè nuôi trồng thủy sản vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, người nuôi cần chuyển sang lồng nuôi HDPE.

Empty

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã làm chủ công nghệ sản xuất lồng vuông HDPE. Ảnh: KS.

Lồng nuôi HDPE chịu được bão cấp 10-12

Nam Trung bộ nằm trong khu vực thường xuyên chịu tác động bởi bão, áp thấp nhiệt đới tương đối cao. Do đó, việc nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè truyền thống gỗ, tre không thể thích ứng với thiên tai. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, các thiên tai cực đoan có xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường.

Vì vậy để lồng bè nuôi trồng thủy sản vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, người nuôi cần chuyển sang lồng nuôi HDPE.

Theo các chuyên gia, lồng HDPE hiện nhiều nước Châu Âu, nhất là Na Uy, một trong những quốc gia có ngành nuôi trồng thủy sản dẫn đầu thế giới áp dụng phổ biến hàng chục năm nay. Tại một số nước phát triển ở châu Á hiện lồng nhựa HDPE cũng được sử dụng để nuôi trồng thủy sản.

Đối với Việt Nam thì đang được quan tâm, học hỏi từ các công nghệ của Na Uy, Thụy Điển, kết hợp với nguồn cung ống nhựa HDPE trong nước dồi dào, các đơn vị, doanh nghiệp nuôi cá biển, nuôi trồng thủy hải sản quy mô đã áp dụng lồng HDPE để tăng tính bền vững, thích ứng biến đối khí hậu, năng suất hiệu quả cao.

Empty

Cơn bão vào năm 2017 với gió giật mạnh cấp 15 đổ bộ vào vịnh Vân Phong đi qua khu lồng nuôi HDPE của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao nhưng gần như không có thiệt hại. Ảnh: KS.

Theo Tập đoàn Super Trường Phát, một trong những doanh nghiệp, đơn vị hiện đã làm chủ công nghệ sản xuất lồng HDPE phục vụ nuôi trồng thủy sản, ưu điểm lồng HDPE có thời gian sử dụng từ 30 – 50 năm. Sau 50 năm lồng nuôi này có thể tái sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác.

Người nuôi sử dụng lồng HDPE có thể nuôi riêng hoặc chung nhiều loại đối tượng với nhau và nuôi được ở nhiều tầng nước khác nhau, nhằm tận dụng tối đa nguồn lợi nuôi thủy hải sản trong một vùng nuôi hoặc trên một đơn vị mặt nước. Đặc biệt, lồng nuôi HDPE chịu được sóng gió, bão cấp 10 – 12, bởi có tính mềm dẻo, độ uốn dẻo rất cao nên không bị giòn, gãy.

Bên cạnh đó, lồng HDPE có khả năng chống ăn mòn, không thấm nước, tính ổn định cao. Hơn nữa, lồng nuôi HDPE rất thân thiện với môi trường, an toàn với vật nuôi.

Cũng theo Tập đoàn Super Trường Phát, hiện đơn vị cung cấp sản phẩm lồng HDPE bao gồm lồng vuông và hình tròn. Trong đó, lồng vuông có kích thước 4x4m và 5x5m. Còn lồng tròn có đường kính từ 12 - 40 m theo yêu cầu.

Ngoài ra, Tập đoàn Super Trường Phát còn cung cấp cụm lồng vuông lắp ghép lego. Cụ thể, cụm lồng nuôi này ghép từ 4 đến 16 ô lồng, kèm tấm trải sàn composite. Khi lắp đặt, Tập đoàn có chính sách, hướng dẫn kỹ thuật nhằm đảm bảo ngư dân có thể vận hành, sử dụng tốt sản phẩm và có hỗ trợ tài chính, cho vay, trả góp từ 12 - 18 tháng.

Empty

Lồng nuôi HDPE chịu được sóng, gió mạnh, thích ứng với thiên tai. Ảnh: KS.

Năng suất cá nuôi lồng HDPE cao hơn lồng gỗ

Tại khu vực Nam Trung bộ, trong đó vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hiện có 3 doanh nghiệp, đơn vị nuôi cá biển bằng lồng HDPE.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đối với Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam có 46 lồng tròn HDPE, trong đó 22 lồng thể tích 9.000m3/lồng, 16 lồng thể tích 2.500m3/lồng, 8 lồng thể tích 13.000m3/lồng nuôi cá Chẽm, với tổng sản lượng 100.000 tấn/năm. Còn Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I có 20 lồng tròn HDPE (2.500m3/lồng) và 22 lồng vuông HDPE (125m3/lồng) nuôi cá Chim vây Vàng, với tổng sản lượng nuôi đạt khoảng 200 tấn/năm. Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Phương Minh nuôi cá Chim vây Vàng trong 6 lồng tròn (1.000m3/lồng) và 5 lồng vuông (125m3/lồng); với sản lượng khoảng 150 tấn/năm.

Hệ thống lồng nuôi này của các doanh nghiệp, đơn vị có khả năng hoạt động ổn định lâu dài trong điều kiện khắc nghiệt, chịu bão cấp 12-14. Thực tế cơn bão số 12 đổ bộ vào cuối năm 2017 đi qua khu lồng nuôi của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao mạnh cấp 12 và giật cấp 15 vẫn không gây thiệt hại.

Ngoài 3 đơn vị, doanh nghiệp nuôi biển này, trên vịnh Vân Phong cũng đã xây dựng mô hình nuôi cá Bớp bằng lồng HDPE do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa triển khai từ năm 2020. Dự án này hỗ trợ 6 lồng nuôi HDPE, đường kính 10m (thể tích 500m3) cho 6 hộ nuôi và sẽ kết thúc vào năm nay.

Ghi nhận của chúng tôi sau hơn 2 năm triển khai dự án, các hộ nuôi áp dụng lồng HDPE nuôi cá đều mang lại hiệu quả tích cực. Là người có thâm niên hơn 20 năm nuôi trồng thủy sản, cũng là hộ bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 gây ra khi mất trắng hàng chục tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) rất đồng tình khi dự án giúp nông hộ tiếp cận lồng nuôi HDPE nhằm thích ứng với thiên tai.

Ông Hòa cho biết, đến nay ông đã có 2 lồng tròn HDPE nuôi cá và đang lắp đặt thêm 9 lồng vuông HDPE để nuôi tôm hùm. Thời gian qua khi nuôi cá bằng lồng tròn HDPE, ông thấy sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt từ 80 - 90%, cao hơn từ 15-20% so với lồng nuôi truyền thống. Lồng nuôi này có thể tích vừa phải, phù hợp với nông hộ nên chỉ cần 2 lao động thao tác là được. Theo đó, việc chăm sóc và thu hoạch trong lồng HDPE hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá, không cần máy móc cầu kỳ.

Empty

Người nuôi tham quan mô hình nuôi lồng HDPE trên vịnh Vân Phong. Ảnh: KS.

Ngoài nâng cao tỷ lệ sống, theo các hộ nuôi áp dụng lồng HDPE còn giúp quá trình nuôi hạn chế dịch bệnh đáng kể, bởi lồng thông thoáng. Đặc biệt, đến mùa mưa bão họ không còn lo sợ lồng nuôi cá bị hư hỏng làm thiệt hại kinh tế nữa.

Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề  “Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu” mới đây được tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều ngư dân thắc mắc về hiệu quả khi nuôi thủy sản bằng lồng HDPE. Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho rằng, ưu điểm lồng HDPE hơn hẳn lồng gỗ truyền thống là chịu được sóng gió, ít rủi ro. Khi người nuôi sử dụng lồng HDPE, cho năng suất đạt từ 15 - 20kg/m3, còn lồng gỗ chỉ từ 7 - 10kg/m3.

Về chi phí đầu tư lồng nuôi HDPE này, theo ông Khánh với lồng có đường kính 10m, tương đương thể tích 500m3 có giá khoảng 180 triệu đồng; độ bền trên 20 năm, trong khi lồng gỗ chỉ 5 năm. Vì vậy tính ra về chi phí đầu tư lồng HDPE sau 20 năm còn rẻ hơn lồng gỗ.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa còn cho biết, về thực tế nuôi cá Bớp bằng lồng HDPE thể tích 500m3 trên vịnh Vân Phong do đơn vị triển khai cho sản lượng trung bình đạt 5 tấn/lồng (do thả mật độ thấp), nhưng ngư dân có thể nuôi đạt sản lượng 10 tấn/lồng. Sau khi trừ chi phí, mô hình đơn vị triển khai giúp người nuôi lãi hơn 100 triệu/lồng. Tỷ suất lợi nhuận tăng 15 - 20% so với lồng nuôi cá truyền thống có cùng thể tích.

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, sau khi triển khai mô hình nuôi lồng HDPE đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo đó, ngoài lợi ích bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm lồng, sử dụng lồng HDPE còn giúp người nuôi chịu ít thiệt hại do thiên tai, hết lo ngại bão đổ bộ gây thiệt hại. Mặt khác, lồng nuôi thông thoáng, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh và môi trường, cũng như giúp năng suất cá tăng lên đáng kể. Hiện nay rất nhiều người nuôi tham quan học tập và nhân rộng áp dụng lồng nuôi HDPE.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.