Với sự năng động sáng tạo, nông dân trẻ Lâm Thị Mỹ Tiên ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) đã và đang theo đuổi mô hình sản xuất hữu cơ, qua đó đem lại thu nhập cao.
Bỏ lập nghiệp trời Âu, 9x về quê kiếm tiền tỷ nhờ sản xuất hữu cơ
Với sự năng động sáng tạo, nhiều nông dân trẻ ở Bình Dương đã và đang theo đuổi mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, qua đó đem lại thu nhập cao.
Sau khi được gia đình cho du học tại Hà Lan và được tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, chị Lâm Thị Mỹ Tiên, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên đã trở về quê hương và quyết tâm sản xuất sản phẩm hữu cơ để phục vụ người dân. Từ 50 ha cam, quýt truyền thống của gia đình, Mỹ Tiên, đã chuyển hơn 20 ha sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hướng hữu cơ, đồng thời xây dựng một thương hiệu cho riêng mình, lấy tên là C-Farm.
Chị LÂM THỊ MỸ TIÊN - Xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên
Sau dịch Covid-19, nhu cầu thực phẩm sạch của người dân ngày càng tăng cao nên tôi quyết định trồng theo hướng hữu cơ. Hiện tại các trang mạng xã hội rất phát triển, nên cách tôi làm hiện tại là tôi sử dụng các nền tảng online để quảng bá hình ảnh vùng đất mình đang trồng, thêm nữa là có thể truyền được kiến thức cho người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ. Khi mà mình có thị trường đã tin dùng sản phẩm của mình rồi thì đầu ra không còn là quá khó.
Hiện tại, trang trại C-Farm đã trở nên nổi tiếng vì trong bối cảnh giá cam, quýt trên thị trường rất thấp, dưới 10.000 đồng/kg, C-Farm vẫn đưa hàng tấn cam, quýt hướng hữu cơ ra thị trường và được bán với giá ổn định trên 30 ngàn đồng/kg, thu về lợi nhuận 3 - 4 tỷ đồng/năm. Đến nay, sản phẩm của C-Farm đã có mặt ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch từ Nam ra Bắc, và được người tiêu dùng thông thái đón nhận.
Chị LÂM THỊ MỸ TIÊN - Xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Trước đây gia đình tôi cũng sản xuất theo phương thức truyền thống, cho nên là để chứng kiến rất là nhiều cảnh mà xịt thuốc cận ngày mà thu hoạch, thậm chí là bản thân gia đình tôi cũng không dám ăn trái quýt đó hoặc là trái cam mình làm ra. Nhưng từ khi chuyển sang phương thức hữu cơ thì tôi tự tin có thể ăn ngay tại vườn luôn.
Ông MAI ĐỨC QUÝ - Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Góc độ địa phương thì khuyến khích người dân chuyểna đổi mô hình áp dụng Viet Gap, Global Gap. Về sản xuất hữu cơ mặc dù cho năng suất thấp hơn sản xuất truyền thống nhưng về đầu ra thì ổn định. Do đó, địa phương vẫn khuyên người dân nên mở rộng sản xuất, kết hợp chuyển đổi, từ sản xuất truyền thống sang hữu cơ.
Có thể thấy, C-Farm là một trong những mô hình điển hình trong việc sản xuất nông nghiệp an toàn gắn liền với xây dựng thương hiệu nông sản. Đây được xem là tiền đề quan trọng để hình thành các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững trong thời gian tới. Từ đó sẽ tạo bước đi vững chắc, cho sản phẩm nông nghiệp của Bình Dương trong suốt quá trình hội nhập.