| Hotline: 0983.970.780

Hiếu Liêm phát triển NTM từ những mô hình độc đáo

Thứ Ba 01/08/2017 , 13:15 (GMT+7)

Hiếu Liêm được biết đến là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Thế nhưng nhờ những mô hình phát triển kinh tế độc đáo như HTX nuôi hươu, nai; trồng cam, quýt trái vụ... đã giúp việc xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã có những thành công đáng kể.

Hợp tác xã nuôi hươu, nai

Ông Lê Văn Hởi, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm chia sẻ, trước đây mảnh đất Hiếu Liêm thuộc Lâm trường Hiếu Liêm, sau này thành vùng đất kinh tế mới của đa số người dân từ Hà Tĩnh di cư vào.

16-06-16_nh_1
Mô hình nuôi hươu, nai đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã NTM Hiếu Liêm

Ở Hiếu Liêm, đất đai màu mỡ thuận lợi cho trồng cỏ nên rất nhiều bà con nuôi hươu, nai lấy nhung (lộc, sừng). Đây là những động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản có thể là lá cây mít, dâu hay các loại cỏ, chuồng trại làm bằng gỗ, lưới sắt vòng quanh…

Đến nay nhờ mô hình nuôi nai, hươu mà xã đã thay da đổi thịt từng ngày, nhiều nhà cao cửa rộng mọc lên, cùng những tuyến đường NTM do người dân chung tay xây dựng khiến cho bộ mặt Hiếu Liêm ngày một khang trang.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Đình Châu tại ấp 3 là một trong những hộ nuôi hươu, nai đầu tiên của xã có căn nhà như “biệt phủ”, anh cho biết: Những ngày mới vào đây lập nghiệp gặp nhiều khó khăn do không biết làm gì để mưu sinh. Nhờ ngoài quê có nghề nuôi hươu, nai nên 5 hộ chung nhau nuôi 7 con giống.

Từ chỗ 5 hộ chung nhau đến nay số hộ nuôi hươu, nai lên tới gần 300 với tổng đàn hươu, nai hơn 2.000 con. Với tiêu chí giúp nhau cùng phát triển, Hiếu Liêm đã thống nhất thành lập hẳn một hợp tác xã (HTX) nuôi hươu, nai. Nhờ HTX mà nhiều hộ được giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật chăn nuôi...

Từ sản phẩm chăn lộc hươu, nai, bà con mạnh dạn thành lập nhiều thương hiệu thực phẩm bồi bổ sức khoẻ có giá trị cao, được cơ quan quản lý cấp giấy phép, thậm chí sản xuất cả rượu từ nhung hươu, nai…
 

Trồng cam, quýt trái vụ

Cũng ở Hiếu Liêm, còn có mô hình trồng cam sành và quýt đường cho quả trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lê Văn Hởi cho biết, khí hậu và thổ nhưỡng Hiếu Liêm rất hợp với cây cam sành và quýt đường nên mô hình trồng cây ăn trái phát triển rất mạnh, nhiều hộ đã làm giàu từ hai loại cây ăn trái này.

16-06-16_nh_2
Nhờ mô hình cam, quýt nghịch vụ đã giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo

Theo ông Hởi, nhờ bà con mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăm sóc, biết cách làm cho cây cam, quýt ra quả trái vụ mà chất lượng và năng suất cam, quýt không hề giảm. Hiện diện tích trồng cam, quýt của Hiếu Liêm đã lên đến hơn 500ha, mỗi năm thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Sắp tới xã Hiếu Liêm tiếp tục mạnh dạn trồng thử nhiều loại cây ăn trái khác như chôm chôm Thái, bơ, bưởi da xanh… nhằm phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái của xã.

Có thể nói, cùng với việc thực hiện nhiều mô hình kinh tế độc đáo đã làm thay đổi đời sống người dân nơi đây, nhờ thế mà bộ mặt kinh tế của Hiếu Liêm thay đổi nhanh chóng. Tháng 6/2015 Hiếu Liêm đã được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận đạt chuẩn NTM.

Cũng nhờ những mô hình kinh tế độc đáo, Hiếu Liêm không có hộ nghèo, gần 70% hộ kinh tế ổn định. Thống kê mới nhất cho thấy thu nhập bình quân người dân trên địa bàn xã đạt 55 triệu đồng/năm. Nhờ xây dựng NTM, đến nay Hiếu Liêm đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân nâng cao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.