Nằm nép mình bên lòng hồ thủy điện Trị An, xã Hiếu Liêm được biết đến là “thủ phủ” nuôi hươu, nai lấy nhung của Đồng Nai. Nhờ ít công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên làng nghề nuôi hươu, nai Hiếu Liêm giúp cho nhiều gia đình khấm khá.
Có kinh nghiệm nuôi hươu, nai hơn 26 năm nay, gia đình ông Phan Xuân Ngọc (ấp 3, xã Hiếu Liêm) là một trong những hộ minh chứng rõ nét cho hiệu quả trong chăn nuôi con đặc sản này.
Từ năm 1997, ông Ngọc rời vùng đất Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cùng vài con hươu nai giống để tới xã Hiếu Liêm (lúc ấy là lâm trường) để lập nghiệp. Nhận thấy vật nuôi này chăm sóc đỡ tốn công và cho hiệu quả kinh tế, ông Ngọc quyết định tiếp tục nghề nuôi hươu, nai tại vùng đất mới.
Hiện, giá nhung nai khoảng 8 triệu đồng/ kg, còn nhung hươu khoảng 2,5 triệu đồng/ 100gram. Với 40 con hươu và 10 con nai, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm ông Ngọc bán nhung cho thu lời hơn 500 triệu đồng.
“Hươu, nai ăn cỏ cây, phế phụ phẩm nông nghiệp nên gần như không tốn tiền mua thức ăn. Địa bàn xã Hiếu Liêm trồng chuối và cây có múi rất nhiều. Đây là loài động vật hoang dã nên cũng khá ít bệnh so với những vật nuôi khác. Do đó, nuôi những con này chúng tôi cũng rất yên tâm về chăm sóc và đầu ra”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Thái Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết, hiện trên địa bàn xã có 125 hộ chăn nuôi hươu, nai với tổng đàn hơn 1.000 con. Đây là làng nghề truyền thống, nổi tiếng của huyện Vĩnh Cửu chuyên nuôi hươu, nai lấy nhung. Đây là mô hình chăn nuôi ổn định và có định hướng chuyển sang chăn nuôi tập trung.
“Trước đây, tại xã Hiếu Liêm có rất nhiều hộ nuôi 1-2 con hươu, nai. Tuy nhiên, các hộ này đã biết liên kết với nhau hoặc đầu tư để nâng tổng đàn từ 20 - 40 con. So với những vật nuôi truyền thống của Đồng Nai thì nuôi hươu, nai lấy nhung cho giá trị kinh tế rất cao và ổn định. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có thêm những hướng dẫn để bà con phát triển chăn nuôi bền vững, đạt giá trị kinh tế cao”, ông Thái Văn Dương chia sẻ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển làng nghề và tiêu thụ sản phẩm truyền thống của địa phương, HTX Dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi hươu nai Hiếu Liêm ra đời. Hiện HTX có 7 thành viên Ban giám đốc và 23 xã viên, đều là những hộ nuôi hươu, nai lớn của xã.
Theo ông Nguyễn Văn Truyện, nhờ chia sẻ từ Hội Nông dân xã và HTX mà nhiều hộ được giúp đỡ, chia sẻ về kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật chăn nuôi... Nhiều sản phẩm chăn lộc hươu, nai có giá trị cao được ra đời, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
“Hiện chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục để đăng kí nhung hươu, nai Hiếu Liêm trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đây sẽ trở thành bước tiến quan trọng để quảng bá sản phẩm nhung hươu đến với nhiều người hơn. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm tán nhỏ nhung hươu, nai và đóng thành từng gói nhỏ cho khách du lịch. Điều này sẽ tiện lợi hơn và phù hợp với nhiều đối tượng hơn”, ông Nguyễn Văn Truyện chia sẻ.
Hiện, 100% số hươu, nai trên địa bàn xã Hiếu Liêm đều được cán bộ kiểm lâm và thú y cấp “giấy khai sinh”, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát kĩ lưỡng. Đây cũng là kim chỉ nam mà HTX Dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi hươu nai Hiếu Liêm thực hiện từ nhiều năm nay để chăn nuôi bền vững.
Không chỉ vậy, để làng nghề được bền vững, phù hợp với yêu cầu môi trường, các trại nuôi hươu, nai tại Hiếu Liêm đều ứng dụng kỹ thuật chế phẩm sinh học vi sinh vật - IMO từ nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương.
“Mục tiêu của HTX hướng tới chăn nuôi theo hướng an toàn, sạch bệnh. Chúng tôi cũng ý thức bảo vệ môi trường, muốn biến chính những chuồng trại trở thành điểm tham quan du lịch trải nghiệm nên vấn đề an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu”, ông Nguyễn Văn Truyện cho biết thêm.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho từng hộ chăn nuôi, làng nghề nuôi hươu, nai lấy nhung đang đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương nói chung. Từ năm 2017, xã Hiếu Liêm đã không có hộ nghèo, thu nhập bình quân người dân trên địa bàn xã đạt 65 triệu đồng/ năm.
“Với những hộ chăn nuôi lớn từ 40 - 50 con thì cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm. Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa những hỗ trợ kĩ thuật từ ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng như mở rộng đầu ra để bà con làng nghề yên tâm phát triển”, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm chia sẻ.
Với lợi thế gần với các điểm du lịch như Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, đảo Ó - Đồng Trường, hồ Trị An… nên việc kết nối tour tham quan các điểm đến du lịch gắn với làng nghề nuôi hươu, nai Hiếu Liêm rất thuận lợi. Theo đó, du khách có thể tham quan trang trại nuôi hươu, nai, tìm hiểu cách chăm sóc và thu hoạch sản phẩm nhung hươu, nai và mua đặc sản này.