Sau gần 5 năm thi công, công trình chống ngập, ngăn triều cống Bình Nhâm, hiện đại bật nhất của tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu từ gần 300 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đây là hình ảnh công trình chống ngập Cống Bình Nhâm, nằm trên Rạch Bình Nhâm, thuộc phường Bình Nhâm, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, công trình rộng 43,2m, gồm 2 khoang cống mỗi khoang rộng 20m. Với tổng vốn đầu từ gần 300 tỷ đồng. Sau gần 5 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành. Đáp ứng nhu cầu đa mục tiêu như: chống ngập, ngăn triều, mà ngành thuỷ lợi đặt ra.
Ông TRẦN CÔNG NAM - Phó trạm Trưởng Trạm điều hành cống Bình Nhâm
Nhờ hệ thống điều hành thông minh, người vận hành chỉ cần nhấn nút điều khiển nâng cửa, hạ cửa….trên tủ điều khiển hoặc hệ thống SCADA đã được lập trình sẵn và cửa van sẽ tự động đóng hoặc mở để ngăn dòng nước theo mục đích yêu cầu.
Công trình hoàn thành đã giải quyết cơ bản tình hình ngập úng không chỉ cho phường Bình Nhâm, mà góp phần bảo đảm an toàn giao thông và thoát nước cho đường 22/12, khu dân cư Việt - Sing, KCN Việt Hương, khu vực quốc lộ 13 đoạn qua phường Thuận Giao, An Thạnh; các khu dân cư.
Ông LÊ VĂN TRẠCH - Phường Bình Nhâm, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương
Nhờ công trình, người dân nơi đây đã không còn cảnh thiếu nước sản xuất trong khô, ngập lụt mùa mưa. Đặc biệt, nhờ tuyến đường ven đê bao và cầu bắt qua cống, người dân nơi đây còn thoát cảnh đi đường vòng hơn 10 km để đến trung tâm thành phố.
Ông NGUYỄN KHÁNH TRƯỜNG - Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương
Chi Cục đang đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thủy lợi, đê điều và kết cấu hạ tầng ứng phó thiên tai; phòng chống lũ các tuyến sông có đê. Bảo đảm sự liên kết giữa hệ thống kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn tỉnh nói chung, thành phố Thuận An nói riêng để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả đa mục tiêu của các công trình.
Việc cống Bình Nhâm được đưa vào vận hành không chỉ giúp ứng phó với thiên tai mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác tiềm năng phát triển cho khu du lịch sinh thái vườn cây ăn trái. Điều này không chỉ giúp chỉnh trang đô thị mà còn phù hợp với quy mô phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, đồng thời góp phần cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.