| Hotline: 0983.970.780

‘Vương quốc cây có múi’ tìm lại thời vàng son

C-Farm hái quả ngọt từ công nghệ tiên tiến

Thứ Hai 13/05/2024 , 10:45 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cam, quýt và chiến lược thương mại điện tử bài bản, C-Farm đã tạo ra sản phẩm chất lượng và kênh tiêu thụ hiệu quả.

Tiết kiệm 35% phân bón, năng suất tăng 50% nhờ công nghệ tưới

Nhắc đến trang trại C-Farm chuyên canh cây có múi ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) ai cũng biết. Bởi lẽ, trong bối cảnh người trồng cây có múi cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đang phải “dở khóc dở cười” khi giá cả cam, quýt bán ra thị trường thấp thì sản phẩm của trang trại C-Farm vẫn đều đặn tung ra thị trường và có mặt ở hầu khắp các cửa hàng thực phẩm sạch từ Nam ra Bắc với giá ổn định hơn 30 ngàn đồng/kg. Đây là thành quả sau 4 năm miệt mài của bà chủ C-Farm Lâm Thị Mỹ Tiên với quyết tâm cải tổ toàn bộ vườn cam, quýt của gia đình từ phương thức sản xuất truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Để đảm bảo nước tưới cho cây có múi, C-Farm không ngần ngại đầu tư hệ thống hồ chứa kết hợp hệ thống tưới châm phân hữu cơ tiên tiến nhất hiện nay. Ảnh: Trần Trung.

Để đảm bảo nước tưới cho cây có múi, C-Farm không ngần ngại đầu tư hệ thống hồ chứa kết hợp hệ thống tưới châm phân hữu cơ tiên tiến nhất hiện nay. Ảnh: Trần Trung.

Chị Tiên cho biết, gia đình chị có tới 4 đời trồng cây có múi. Sau khi du học tại Hà Lan, được tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến của các nước phát triển, chị đã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất. Cùng lúc đó, dịch Covid-19 bùng phát, sức khoẻ được xem là điều đáng trân quý, từ đó đã bồi đắp thêm quyết tâm để chị làm nông nghiệp sạch, an toàn.

Dù tiết trời đang rất oi bức, nhưng đến trang trại C-farm, chúng tôi cảm nhận được sự mát mẻ dưới bạt ngàn màu xanh của các loại cây ăn quả. Được mục sở thị quy trình chăm sóc cam, quýt theo chuẩn VietGAP của chị Mỹ Tiên, chúng tôi không khỏi cảm phục. Đứng trên triền dốc, mọi người phóng tầm mắt bao quanh vườn cam, quýt rộng hơn 50ha sum suê trái, uốn lượn theo dòng sông Đồng Nai. Phía dưới, từng tốp công nhân mỗi người một việc, người lo nước tưới kết hợp châm phân hữu cơ tự động, người tỉa cành tạo tán, người làm cỏ thủ công, người thu hoạch… rộn ràng cả vùng đất.

Hệ thống tưới kết hợp châm phân tự động giúp đảm bảo nguồn nước và chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống tưới kết hợp châm phân tự động giúp đảm bảo nguồn nước và chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ảnh: Trần Trung.

Theo chị Tiên, vườn của gia đình tận dụng được lợi thế về nguồn nước từ sông Đồng Nai, cộng với đất đồi cao rất thích hợp cho cây có múi, hạn chế được ngập úng. Với kinh nghiệm tích lũy từ thời du học cùng với kinh nghiệm truyền thống của gia đình, để phát huy hiệu quả trong canh tác, C-Farm không ngần ngại đầu tư hồ chứa kết hợp hệ thống tưới châm phân hữu cơ tiên tiến nhất hiện nay với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng.

Hệ thống tưới nhỏ giọt trong khu vườn bao gồm bơm hoặc tháp nước, hệ thống lọc tạp chất hoặc xử lý chất thải, hệ thống phân bón hoặc chất dinh dưỡng đi kèm, đường ống dẫn và thiết bị tạo giọt. Hệ thống bơm và các van xả có thể điều khiển bằng tay hoặc tự động bằng máy tính.

Đây là hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước nhất. Phương pháp này giúp phân bố lượng nước đồng đều cho tất cả các điểm mà không làm xói mòn hoặc nén chặt đất trồng trọt. Mặc dù rất hiện đại nhưng công nghệ này lại dễ thao tác và lắp đặt, không cần hỗ trợ kỹ thuật nhiều. Tưới nhỏ giọt ít phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như địa hình dốc hay chia cắt, thành phần cũng như cấu trúc đất, giúp tiết kiệm nước so với phương pháp tưới truyền thống.

Hệ thống tưới giúp tiết kiệm 40% lượng nước tưới, 35% lượng phân bón, năng suất cây trồng tăng lên khoảng 50%. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống tưới giúp tiết kiệm 40% lượng nước tưới, 35% lượng phân bón, năng suất cây trồng tăng lên khoảng 50%. Ảnh: Trần Trung.

“Qua thực tiễn sản xuất cho thấy, dù thời tiết năm nay khắc nghiệt và ít mưa, song nhờ chủ động được nguồn nước nên sản xuất đạt kết quả tốt, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Cụ thể, hệ thống giúp tiết kiệm 40% lượng nước tưới, 35% lượng phân bón, năng suất cây trồng tăng lên khoảng 50%. Rõ nét nhất, trong bối cảnh ngày càng khan hiếm lao động nông nghiệp, hệ thống giúp giảm lượng nhân công đáng kể. Nếu như trước đây để tưới toàn bộ trang trại cần tới hàng trăm lao động thì nay chỉ cần chưa tới 10 người. Ngoài ra, cây đủ nước có thể làm trái quanh năm nhưng chất lượng vẫn giữ ổn định”, chị Tiên cho biết.

Trụ vững nhờ "vũ khí" thương mại điện tử

Bên cạnh xây dựng trang trại cam, quýt chuẩn VietGAP đẹp như trong tranh, chị Tiên cũng song song tiếp cận các giải pháp để chinh phục thị trường. Chị tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Chị cũng sớm thực hiện thương mại điện tử và là một trong những nhà nông đầu tiên tại địa phương đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử và bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội. Tiếng lành đồn xa, hiện các sản phẩm của C-Farm đã lấy được lòng tin của người tiêu dùng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Nhờ sản xuất bài bản và đúng chuẩn, quýt của C-Farm được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ sản xuất bài bản và đúng chuẩn, quýt của C-Farm được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Ảnh: Trần Trung.

Xuất hiện với bộ quần áo làm vườn và chiếc nón lá có họa tiết hình múi cam được vẽ tay, chị Tiên “chào mọi người, lại là em Tiên quýt đây” - câu mở đầu video quen thuộc chị Tiên thể hiện cho chúng tôi xem trên kênh Tik Tok cùng các nền tảng mạng xã hội khác với lượng lớn người theo dõi mỗi khi livestream. Trong những video, chị Tiên say sưa nói về nghề trồng cam quýt; về cách chọn cam, quýt ngon; về quy trình đưa trái cam, quýt ra thị trường… và vô số thứ liên quan đến cam, quýt.

“Điều người nông dân sợ nhất là cảnh được mùa rớt giá, rồi phải “giải cứu” nông sản. Cứ trồng nhiều không bán được và gắn mác “giải cứu” như vậy thì càng làm cho nông sản mất giá trị. Nhờ tham gia trực tiếp các hội chợ nông sản do tỉnh tổ chức và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, cùng với việc bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, lượng quýt hồng mà tôi bán trong dịp Tết 2024 có doanh thu hơn 150 triệu đồng chỉ trong vòng 10 ngày phát trực tiếp trên mạng xã hội. Do đó, tôi mong muốn địa phương sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để nông dân được hướng dẫn truyền thông, quảng bá hình ảnh nông sản trực tiếp đến người tiêu dùng”, chị Tiên cho hay.

Chị Tiên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với thanh niên khởi nghiệp địa phương. Ảnh: Trần Phi.

Chị Tiên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với thanh niên khởi nghiệp địa phương. Ảnh: Trần Phi.

Chia sẻ về lời khuyên gửi đến những người khởi nghiệp với nông nghiệp, chị Tiên cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng sản xuất theo phương thức truyền thống, chứng kiến rất nhiều cảnh nông dân xịt thuốc cận ngày thu hoạch. Nhìn vậy, thậm chí bản thân tôi cũng không dám ăn. Việc làm theo tiêu chuẩn VietGAP không khó nhưng năng suất cây trồng sẽ không bằng so với theo phương pháp truyền thống. Nhưng nhờ sản xuất an toàn, cửa hàng thực phẩm sạch ngày càng nhiều nên không cần phải lo đầu ra, giá cả cũng không phải là vấn đề với người tiêu dùng, họ sẵn sàng bỏ tiền để mua thực phẩm tốt, nhà vườn cũng hưởng lợi.

Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, ngoài niềm đam mê và quyết tâm thì cần phải có kế hoạch dài hạn, sự chuyên nghiệp trong công việc như nắm bắt rõ sản phẩm mình làm ra bán ở đâu, nhu cầu thị trường hay làm thế nào để có giá cả cạnh tranh, xác định lợi thế cạnh tranh, ưu điểm và khuyết điểm của sản phẩm, đồng thời phải làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất. Có như vậy việc khởi nghiệp với nghề nông mới có thể trụ vững trên thị trường”.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương thăm gian hàng của C-Farm tại hội chợ xúc tiến đầu tư. Ảnh: NVCC.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương thăm gian hàng của C-Farm tại hội chợ xúc tiến đầu tư. Ảnh: NVCC.

Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết: Được bồi đắp phù sa bởi sông Đồng Nai và sông Bé, xã Hiếu Liêm nổi tiếng là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi lớn nhất của tỉnh Bình Dương. Đặc sản cam, quýt, bưởi nơi đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và đã trở thành “linh hồn” của nền nông nghiệp nơi đây. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, giá các sản phẩm cây có múi rớt mạnh, từ đó khiến không ít nhà vườn lâm vào cảnh lao đao. Với cách làm của mình, C-Farm đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa, địa phương cũng đã và đang nhân rộng mô hình này.

“Những sản phẩm đặc trưng địa phương, bản thân nó đã có thương hiệu riêng trên thị trường. Nhưng để phát triển bền vững thì phải “thổi hồn quê” vào sản phẩm. Người tiêu dùng chính là người quảng bá nhanh, hiệu quả, đáng tin cậy bởi bản thân họ đã trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. Và đây là chiến lược phát triển cây có múi bền vững mà ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai thực hiện”, ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm nhấn mạnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.