Cứu 6 ngư dân chìm tàu trên biển. Nông dân phấn khởi vì giá mãng cầu xiêm tăng cao. Nông dân Nghệ An thắng lớn vụ ớt. Lâm Đồng đề xuất đưa hơn 200 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
CỨU 6 NGƯ DÂN CHÌM TÀU TRÊN BIỂN
Vào khoảng 12 giờ 50 phút ngày 13/4, nhận được tin báo chìm tàu QB93786TS do anh Nguyễn Ngọc Hải trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên gặp nạn trên biển , đồn Biên phòng Roòn thuộc thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã điều động 6 chiến sỹ phối hợp với lực lượng chức năng địa phương sử dụng 6 phương tiện khẩn trương đến khu vực biển mà tàungư dân gặp nạn để tìm kiếm, cứu hộ. Đến 14h30 cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã phát hiện và cứu hộ đưa được 6 thuyền viên chìm tàu và ngư lưới cụ của tàu bị nạn vào bờ. Các ngư dân gặp nạn được cứu sống trong tình trạng sức khỏe an toàn.
NÔNG DÂN PHẤN KHỞI VÌ GIÁ MÃNG CẦU XIÊM TĂNG CAO
Nông dân trồng mãng cầu xiêm tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang rất phấn khởi vì giá trái mãng cầu xiêm liên tục duy trì ở mức cao trong nhiều tháng qua nhờ đầu ra thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, giá trái mãng cầu xiêm được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 18.000-25.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Trái mãng cầu bán được giá nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang tăng, nhất là xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, mãng cầu chủ yếu được các hộ dân và doanh nghiệp chế biến trà mãng cầu, nước ép mãng cầu, rượu mãng cầu, mứt và nhiều loại bánh kẹo.
NÔNG DÂN NGHỆ AN THẮNG LỚN VỤ ỚT
Thời điểm này, người dân xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đang bước vào vụ thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Năm nay, nhờ đưa giống mới vào sản xuất, thực hiện quản lý dịch bệnh hiệu quả nên năng suất vượt trội, được công ty liên kết thu mua với giá gấp đôi năm ngoái, dao động khoảng 12 - 15.000 đồng/kg. Theo các nông dân, cây ớt chỉ địa rất phù hợp với đồng đất xã Diễn Phong. Đầu vụ, do ảnh hưởng của mưa lớn nên toàn bộ diện tích ớt của bà con ngập úng, tưởng chừng như mất trắng. Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc phục hồi do một công ty chuyên về khoa học nông nghiệp hướng dẫn nên đã cứu được cánh đồng ớt, phục hồi lại nhanh, đạt năng suất cao.
LÂM ĐỒNG ĐỀ XUẤT ĐƯA HƠN 200 SẢN PHẨM LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa đề xuất đưa 177 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3-5 sao và 31 sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên các sàn thương mại điện tử.Trong đó, thành phố Đà Lạt có 57 sản phẩm với các mặt hàng tiêu biểu như trà, cà phê, đông trùng hạ thảo, hồng treo gió, một số loại củ quả cấp đông… Các sản phẩm còn lại thuộc địa bàn huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc với mặt hàng sử dụng tươi và cả sau chế biến như hạt mắc ca, rau củ quả sấy giòn…Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP Lâm Đồng, địa phương sẽ hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP Lâm Đồng đạt hạng 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; voso.vn và trang thương mại điện tử nông sản tỉnh Lâm Đồng, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu trưng bày và bán sản phẩm OCOP.