Đã tìm ra nguyên nhân cua biển Cà Mau chết bất thường. Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 vào Hoa Kỳ. Đồng bộ giải pháp xuất nông sản chính ngạch sang Trung Quốc. Giá cam ĐBSCL đồng loạt tăng.
ĐÃ TÌM RA NGUYÊN NHÂN CUA BIỂN CÀ MAU CHẾT BẤT THƯỜNG
Theo thông tin mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, nguyên nhân cua nuôi của nhiều hộ dân trên địa bàn bị chết bất thường trên diện rộng là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua... Tỉ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua.
Bên cạnh đó, vi khuẩn V. parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ cao là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua biển nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục hướng dẫn cho người nuôi, đồng thời đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí phòng, trị bệnh gây cua chết cũng như đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có hướng xử lý dịch bệnh trên cua.
VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP CHÈ LỚN THỨ 5 VÀO HOA KỲ
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, trong tháng đầu tiên năm nay, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ, với giá nhập khẩu bình quân ở mức 1.668,6 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2021 nhưng vẫn thấp hơn Giá chè nhập khẩu bình quân vào Hoa Kỳ trong cùng thời điểm trên khoảng 3.000 USD/tấn.
Ngoài ra, tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu chè vào Hoa Kỳ cũng chỉ tăng 0,5 điểm phần trăm so với tháng 01/2021.
Là 1 trong 5 thị trường này dẫn đầu về trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu. Gần 80% hộ gia đình tại quốc gia này có trà tại nhà và hơn 159 triệu người Mỹ uống trà hàng ngày. Để tận dụng được tiềm năng về nguyên liệu, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh chế biến, thay vì xuất khẩu thô để gia tăng giá trị sản phẩm.
ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP XUẤT NÔNG SẢN CHÍNH NGẠCH SANG TRUNG QUỐC
Để tăng cường thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá qua cửa khẩu biên giới phía Bắc theo hình thức chính ngạch, trước mắt Bộ Công Thương đề xuất tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện nghiêm túc các quy định về bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,... cũng như các yêu cầu khác có liên quan.
Thống kê cho thấy trong số hàng hóa ùn tắc tại biên giới phía Bắc, lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế…
Do chưa hoàn tất đàm phán về thủ tục kiểm dịch nên tỷ lệ trái cây Việt Nam phải qua kiểm tra lên tới 100% trong khi Thái Lan chỉ 30%, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài, gia tăng ách tắc, nhất là khi vào chính vụ thu hoạch.
GIÁ CAM ĐBSCL ĐỒNG LOẠT TĂNG
Giá nhiều loại cam tại ĐBSCL hiện tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021.
Cụ thể, cam xoàn được nông dân bán xô tại vườn ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg. Còn cam sành đang được thương lái thu mua tại vườn ở mức 16.000-20.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với tháng trước đây.
Do các địa phương đang bước vào mùa nắng nóng cộng với nguồn cung cam tại nhiều địa phương có phần hạn chế là các yếu tố góp phần cho giá mặt hàng này tăng cao.