Đặt mục tiêu 1 triệu ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Cà Mau phấn đấu xuất khẩu chính ngạch 30% sản lượng cua biển. Xuất khẩu rau quả có thể đạt 5 tỷ USD. Trồng bắp trên nền ruộng lúa, lợi nhuận 40 triệu/ha.
ĐẶT MỤC TIÊU 1 TRIỆU HA ĐƯỢC CẤP CHỨNG CHỈ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
QUANG DŨNG Khai thác
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 993 phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow vềrừng và sử dụng đất đến năm 2030. Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất. Đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định.
Đồng thời, phấn đấu quản lý rừng bền vững tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025, đạt 1,0 triệu ha vào năm 2030.
CÀ MAU PHẤN ĐẤU XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH 30% SẢN LƯỢNG CUA BIỂN
QUANG DŨNG Khai thác
UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững nghề cua đến năm 2030. Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và phát triển bền vững nghề cua; tổ chức sản xuất các loại hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng sinh thái; hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển sản phẩm. Trong đó, xác định doanh nghiệp nắm vai trò chủ đạo để kết nối các vùng sản xuất. Theo đó, định hướng đến năm 2030 ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000ha, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn; phấn đấu xuất khẩu 30-35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh; hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 30%.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ CÓ THỂ ĐẠT 5 TỶ USD
QUANG DŨNG Khai thác
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay của ngành và cao hơn con số 3,3 tỷ USD của cả năm 2022. Ngoài thị trường lớn Trung Quốc, theo đánh giá, nhu cầu nhập khẩu
hàng rau quả tại các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản là rất lớn, nhưng rau quả Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, với đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể sẽ chạm mốc 5 tỷ USD, bằng kim ngạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra cho năm 2025, đạt mục tiêu sớm hơn kế hoạch 2 năm. Trong kết quả khả quan này có đóng góp lớn của sầu riêng, loại trái cây vừa chính thức thành trái cây tỷ đô khi cán mốc 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
TRỒNG BẮP TRÊN NỀN RUỘNG LÚA, LỢI NHUẬN 40 TRIỆU/HA
VĂN VŨ khai thác
Tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, Hợp tác xã Nông nghiệp Thân Thiện đã liên kết với nhiều nông dân trồng lúa chuyển sang trồng cây bắp ngọt trên nền đất ruộng, lợi nhuận hàng chục triệu đồng cho mỗi héc ta.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thân Thiện có 36 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 50 ha, với thời gian trồng khoảng 65-70 ngày là cây bắp cho thu hoạch trái, năng suất đạt bình quân 1,8-2 tấn bắp tươi/công, do đã được HTX bao tiêu đầu ra nên giá bắp luôn ổn định từ 4.500-5.000 đồng/kg , mỗi vụ nông dân có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng trên 1 ha.
Ông HUỲNH VĂN CHIẾN, Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện, cho biết, trước đây bà con chủ yếu trồng lúa nên rất ngán ngại chuyển đổi sang luân canh trồng màu do chưa nắm vững kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm, sau khi được HTX liên kết với các tiểu thương để bao tiêu đầu ra và hướng dẫn kỹ thuật cũng như cung cấp giống và các loại vật tư đầu vào nên bà con rất yên tâm chuyển đổi canh tác.