Đầu tư gần 185 tỷ đồng bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ. Chủ cơ sở giết mổ chó tại Thái Nguyên tự nguyện dừng hoạt động. Sắp đấu giá 119.000 tấn đường theo hạn ngạch. Liên kết sản xuất ở vùng trồng dâu, nuôi tằm lớn nhất Yên Bái.
ĐẦU TƯ GẦN 185 TỶ ĐỒNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN SẾU ĐẦU ĐỎ
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏtại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032.Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022 - 2028 là tiếp nhận được 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ việc nuôi và thả về thiên nhiên được hoàn chỉnh để phục vụ cho triển khai cả quy trình.Giai đoạn 2029 - 2032, tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể Sếu từ 6 tháng tuổi, dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu đầu đỏ từ đàn bố mẹ ban đầu. Xây dựng biểu đồ phân bố Sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim.Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án gần 185 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: chi thường xuyên 52,7 đồng; đầu tư công 39,3 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là 92,8 tỷ đồng.
CHỦ CƠ SỞ GIẾT MỔ CHÓ TẠI THÁI NGUYÊN TỰ NGUYỆN DỪNG HOẠT ĐỘNG
Quang Linh sản xuất
Vừa qua, 44 chú chó vừa được giải cứu khỏi cơ sở nuôi vỗ béo và giết mổ chó tại xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên sau khi ông Kiều Việt Hùng - chủ lò mổ quyết định đóng cửa cơ sở của mình cho mục đích nhân đạo và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dại trong cộng đồng.Chương trình “Mô hình cho sự thay đổi - Models for Change”, Tổ chức Humane Society International đã giúp ông Hùng chuyển đổi sinh kế sang một hình thức kinh doanh nông sản phục vụ cộng đồng tại địa phương.Đội cứu hộ của bao gồm các thành viên từ Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ đã chuyển 44 cá thể chó khỏi cơ sở giết mổ đến trung tâm cứu hộ động vật tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Tất cả cá thể đều được tiêm phòng và nhận được chăm sóc y tế, phục hồi trước khi được cân nhắc nhận nuôi tại địa phương.
SẮP ĐẤU GIÁ 119.000 TẤN ĐƯỜNG THEO HẠN NGẠCH
Bộ Công Thương vừa có thông báo về việc tổ chức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá.Cụ thể, lượng hạn ngạch thuế quan đường năm 2023 được phân giao là 119.000 tấn, với giá khởi điểm là 2,3 triệu đồng/tấn, có bước giá là 50.000 đồng/tấn.Đơn vị tham gia đấu giá sẽ là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện được đề nghị phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá.Theo quy định, thương nhân sẽ gửi hồ sơ đề nghị phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá, tên thương nhân và thông tin liên lạc.
LIÊN KẾT SẢN XUẤT Ở VÙNG TRỒNG DÂU, NUÔI TẰM TẠI YÊN BÁI
Thanh Tiến - Hùng Khang
Nếu như trước đây, nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung.Thì đến nay, địa phương đã có hơn 32,3ha trồng dâu liên kết theo chuối giá trị. Trong đó, trồng mới hơn 4,7ha tại các xã Xuân Ái và Yên Thái. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao và bình ổn đầu ra.Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu tại các xã vùng quy hoạch, huyện Văn Yên đã lựa chọn xã Xuân Ái, là xã vùng thấp có diện tích lớn đất soi bãi được quy hoạch rất phù hợp với việc phát triển trồng dâu nuôi tằm để phát động trồng dâu nuôi tằm theo đúng định hướng quy hoạch.