Diện tích lúa thu đông ĐBSCL giảm 3.500ha. Người tiêu dùng EU thích ăn rau quả đã chế biến hoặc đóng lon. Nhiều nhà máy chế biến nông sản hoạt động dưới công suất. Giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 3 liên tiếp.
DIỆN TÍCH LÚA THU ĐÔNG ĐBSCL GIẢM 3.500HA
Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT cho biết, vụ lúa thu đông lúa 2022, khu vực ĐBSCL dự kiến giảm diện tích hơn 3.500ha so với cùng kỳ.
Do đó, vụ lúa thu đông Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh ngập sâu gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, thời gian xuống giống cuối tháng 6 nửa đầu tháng 7 và kết thúc ngày 20/8 với diện tích khoảng 415.000ha.
Đối với vùng ngập ít, phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, cần tập trung thời vụ lúa thu đông xuống giống vụ 3 vào đầu tháng 7 và kết thúc xuống giống ngày 10/8.
NGƯỜI TIÊU DÙNG EU THÍCH ĂN RAU QUẢ ĐÃ CHẾ BIẾN HOẶC ĐÓNG LON
Theo ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU, hiện, mỗi năm thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu mới chỉ đạt xung quanh 190 triệu USD, tỉ trọng rất nhỏ.
Trong cơ cấu rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang EU, sản phẩm tươi chiếm 70%, chế biến chiếm 30%. Trong đó nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Ông Công khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận hiệu quả thị trường khó tính như EU nên chọn “thị trường ngách” là các sản phẩm rau củ quả đã qua chế biến cấp đông hoặc đóng lon, bởi người tiêu dùng châu Âu thường ưu tiên sự tiện lợi và an toàn trong các bữa ăn hàng ngày.
NHIỀU NHÀ MÁY CHẾ BIẾN NÔNG SẢN HOẠT ĐỘNG DƯỚI CÔNG SUẤT
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có trên 157 cơ sở, nhà máy chế biến trái cây quy mô lớn, công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, những nhà máy này chỉ đạt công suất bình quân từ 50 - 60%. Ngoài ra còn có hơn 7.500 cơ sở chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình. Ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 8 - 10% sản lượng rau quả/năm.
Đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, khoảng 20%, chi phí logistics chiếm đến 35 - 50%.
GIÁ LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI GIẢM THÁNG THỨ 3 LIÊN TIẾP
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực thế giới đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 6.
Hiện chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 6 đạt trung bình 154 điểm, giảm 2,3% so với tháng 5. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá hàng hoá vẫn cao hơn 23%. Sự sụt giảm của chỉ số này trong tháng 6 phản ánh giá dầu thực vật, ngũ cốc và đường giảm, trong khi giá sữa và thịt tăng.
Cụ thể, giá ngũ cốc giảm 4,1% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn 27,6% so với cùng kỳ 2021. Giá lúa mỳ giảm 5,7% trong tháng này nhưng so với năm ngoái lại cao hơn 48,5%. Giá dầu thực vật giảm 7,6%, đường giảm 2,6%.