Điều phối vùng ĐBSCL cần khắc phục manh mún, nhỏ lẻ trong chỉ đạo. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động trẻ về nông thôn. Áp thuế 43% với đường nhập khẩu có sử dụng nguyên liệu từ Thái Lan. Xuất khẩu thủy sản giảm 4% so với tháng 6/2022.
ĐIỀU PHỐI VÙNG ĐBSCL CẦN KHẮC PHỤC MANH MÚN, NHỎ LẺ TRONG CHỈ ĐẠO
Sáng 2/8, tại TP Cần Thơ, Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. Ông Lê Thanh Tùng, Chánh văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL cho biết, văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL kể từ khi ra mắt, đã phối hợp thường xuyên với các tỉnh, thành trong vùng, thực hiện hàng loạt các hoạt động về nông nghiệp số, quy hoạch tích hợp các vùng trọng điểm, chủ trì các cuộc hội thảo, diễn đàn trong và ngoài Bộ NN-PTNT. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, hoạt động điều phối vùng ĐBSCL không chỉ đi sâu vào một lĩnh vực, mà điều phối chung các hoạt động của vùng, khắc phục sự chỉ đạo manh mún, nhỏ lẻ. Thời gian tới, Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cần Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành khác để thúc đẩy các lĩnh vực trọng yếu của vùng phát triển. Đặc biệt, cần chú ý đến vấn đề hỗ trợ sinh kế, các mô hình sinh kế theo hướng tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tái tạo lại, tăng thu nhập cho nông dân, giảm lãng phí và phát thải khí nhà kính.
XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THU HÚT LAO ĐỘNG TRẺ VỀ NÔNG THÔN
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có công văn yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, triển khai đào tạo, tập huấn và truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện để Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp, tham gia đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn.Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng chính sách đào tạo nghề đặc thù trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đối với lao động dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là lao động trẻ. Có cơ chế, chính sách để thu hút lao động trẻ về nông thôn, nhất là khu vực miền núi làm việc ổn định, lâu dài.Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất sản xuất lúa không hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái mang hiệu quả cao.
ÁP THUẾ 43% VỚI ĐƯỜNG NHẬP KHẨU CÓ SỬ DỤNG NGUYÊN LIỆU TỪ THÁI LAN
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu.Nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
XUẤT KHẨU THUỶ SẢN GIẢM 4% SO VỚI THÁNG 6/2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, sau khi tăng nóng các tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 7 tiếp tục chững lại với giá trị xuất khẩu đạt 970 triệu USD, giảm 4% so với tháng 6.Trong đó, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm gần 13%, đạt 385 triệu USD. Sản xuất tôm trong nước và nhu cầu tôm thế giới được dự báo là không khả quan trong 6 tháng cuối năm. Nhất là khi các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU tăng lượng tồn kho và nhu cầu chững lại. Trong khi, sản xuất tôm nguyên liệu trong nước vẫn gặp khó do thiếu hụt nguyên liệu.Bên cạnh tôm, nhu cầu nhập khẩu cá tra cũng có xu hướng chững lại ở một số thị trường. Tuy vậy, tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra vẫn đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.