Doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua gạo để kịp tiến độ giao hàng. Kết nối người trồng vải thiều Thanh Hà với hệ thống siêu thị. 76 tỷ đồng phục hồi đàn sếu ở Tràm Chim. Vĩnh Long: Sạt lở gần 100m, 9 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
DOANH NGHIỆP ĐẨY MẠNH THU MUA GẠO ĐỂ KỊP TIẾN ĐỘ GIAO HÀNG
Ghi nhận tại vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua gạo từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu trong năm nay, cũng như tận dụng thời điểm giá gạo xuất khẩu đang neo ở mức cao. thu mua gạo
Cụ thể, trên thị trường xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm ở mức 478 USD/tấn; gạo Jasmine 578 USD/tấn.
Ngoài các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, các thị trường tiềm năng cũng ghi nhận mức tăng trưởng rất cao như: Chile, Singapore,…
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả những thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Kết nối người trồng vải thiều Thanh Hà với hệ thống siêu thị
Ngày 12/6, tại Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Sở NN-PTNT Hải Phòng phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Dương tổ chức tham quan trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà.
Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, để giúp người dân tỉnh Hải Dương tiêu thụ mặt hàng vải thiều, thời gian tới, Sở sẽ hỗ trợ kết nối người trồng vải với hệ thống bán lẻ như siêu thị, các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hải Phòng.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã của thành phố cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái cây, hàng nông sản của tỉnh Hải Dương.
Đồng thời, các sở, ngành có liên quan của tỉnh Hải Dương cần chủ động, hướng dẫn hộ nông dân sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu để đưa vào kênh phân phối hiện đại cũng như hệ thống bán lẻ tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP Hải Phòng.
76 TỶ ĐỒNG PHỤC HỒI ĐÀN SẾU Ở TRÀM CHIM
Theo thông tin từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, Dự án phục hồi đàn sếu phương Đông được phê duyệt trong bối cảnh Vườn quốc gia Tràm Chim vắng bóng sếu đầu đỏ hai năm liên tiếp. Đây là năm thứ ba ghi nhận sếu không quay về trong khi tổng đàn sếu ngoài tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng.
Cùng với mục tiêu phục hồi đàn sếu tự nhiên, dự án sẽ xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ, quảng bá du lịch với tổng kinh phí dự kiến 76 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Đồng Tháp sẽ nhận chuyển giao sếu từ Thái Lan, chăm sóc, huấn luyện với "giáo án" không làm thay đổi tập tính sống hoang dã. Tỉnh này kỳ vọng trong 10 năm sẽ nuôi, thả 150 con sếu, ít nhất có 100 con sống sót, sau đó chúng tự nhân đàn.
Vĩnh Long: Sạt lở gần 100m, 9 hộ dân phải di dời khẩn cấp
Khoảng 10h ngày 11/6 tại khu vực ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện xảy ra sạt lở khoảng 80m, khu vực dãy nhà ven bờ sông có dấu hiệu sạt lở khoảng 50m.
Đến sáng 12/6, diễn biến sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, 9 căn nhà của 9 hộ dân với 21 nhân khẩu trong tình trạng nguy hiểm, buộc phải di dời. Trong đó có 3 hộ gặp khó khăn về nhà ở, phải tạm trú trong Trường Trung học cơ sở Tích Thiện. Bước đầu, 9 hộ dân được hỗ trợ 3 triệu đồng, một số hộ khó khăn được hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm.
Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân do lòng sông sâu, tác động của sóng và dòng chảy làm cho mái bờ bị xoáy lở, kết hợp với tải trọng của nhà trên mái bờ làm cho mái bờ mất ổn định.
Ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Tích Thiện cho biết, lực lượng 4 tại chỗ của địa phương đang hỗ trợ các hộ dân khu vực sạt lở ấp Tích Lộc di dời tài sản đến nơi an toàn.