Nhiều quốc gia EU tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam. EU nới lỏng quy định đối với mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam. Hai mặt hàng nông sản tăng trưởng xuất khẩu cao nhất 5 tháng. Nhiều loại trái cây giảm giá.
HẦU HẾT QUỐC GIA EU TĂNG NHẬP KHẨU CÁ TRA VIỆT NAM
Công ty chứng khoán VNDirect ước tính tổng doanh thu quý I của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết giảm 32% so với cùng kỳ 2022, do giá bán trung bình và sản lượng xuất khẩu giảm mạnh. Đánh giá triển vọng nửa cuối năm, VNDirect dự báo thị trường Mỹ sẽ phục hồi tích cực nhờ 3 lý do gồm: lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40 - 50% trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm. Trong nửa cuối năm, thị trường EU được dự báo sẽ duy trì mức tiêu thụ ổn định. Trong quý I, kim ngạch xuất khẩu sang đây chỉ giảm nhẹ 4% do người châu Âu chuộng cá thịt trắng của Việt Nam với mức giá hợp lý trong bối cảnh lạm phát cao phải thắt chặt chi tiêu. Đáng chú ý, hầu hết quốc gia EU đều tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, trong đó nhiều thị trường cá tra Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng hai con số́.
EU NỚI LỎNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI MÌ ĂN LIỀN NHẬP KHẨU TỪ VIỆT NAM
Liên minh châu Âu (EU) vừa đăng thông báo sửa đổi Quy định về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mì ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II - Kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%. Từ ngày 27/6, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại phụ lục II.
2 MẶT HÀNG NÔNG SẢN TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU CAO NHẤT 5 THÁNG
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT vừa công bố, 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng giá trị cao nhất trong 5 tháng đầu năm gồm: Gạo, rau quả và sản phẩm rau quả. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng 40,8%, từ 2.767 tấn năm 2022 lên gần 3.900 tấn. Kim ngạch tăng 49%, từ 1,35 tỷ USD năm 2022 lên hơn 2 tỷ USD. Theo Bộ NN&PTNT, các yếu tố giúp khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tăng cao đến từ các dự đoán thiếu hụt gạo toàn cầu. Mặt hàng đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu tăng cao là rau quả. Trong 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng 39%, từ 1,4 tỷ USD lên gần 2 tỷ USD.
NHIỀU LOẠI TRÁI CÂY GIẢM GIÁ
Ghi nhận tại nhiều nhà vườn phía Nam, giá măng cụt chính vụ bán ra hiện dao động 20.000 - 35.000 đồng/kg tùy loại; chôm chôm 15.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng so với tháng trước; mít Thái đang ở mức thấp với chỉ 2.000 - 6.000 đồng/kg. Thông tin từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM, lượng trái cây về chợ hiện đạt trung bình khoảng 1.650 tấn/đêm, tăng khoảng 600 tấn so với các tháng trước. Theo đại diện đơn vị này, hiện sản lượng nhập chợ của nhiều chủng loại đang tăng mạnh do vào chính vụ, đặc biệt là vải thiều, sầu riêng, chôm chôm. Nguồn cung trái cây dồi dào cùng thời điểm kéo theo giá bán của nhiều mặt hàng đang giảm mạnh so với tháng trước, thậm chí xuống thấp hơn năm ngoái.