14 người mắc nhiệt thán do ăn thịt trâu, bò bệnh. Lập biên bản 80 ngư dân lặn biển khai thác thủy sản trái phép. Khai trương điểm bán và giới thiệu vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội. Bán giống cây không bảo đảm truy xuất nguồn gốc bị phạt tới 10 triệu đồng.
14 NGƯỜI MẮC NHIỆT THÁN DO ĂN THỊT TRÂU, BÒ BỆNH
Cục Thú y cho biết theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 14 người mắcbệnh nhiệt thán, cụ thể tại Hà Giang - 1 ca và Điện Biên - 13 ca. Cục Thú y nhận định nguyên nhân gây bệnh nhiệt thán chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin bệnh nhiệt thán. Cục Thú y đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh khẩn trương chỉ đạo tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.
Lập biên bản 80 ngư dân lặn biển khai thác thủy sản trái phép
Những ngày gần đây, trên vùng biển ven bờ phía bắc tỉnh Quảng Bình đã xảy ra tình trạng tàu cá của ngư dân các tỉnh khác đến lặn biển khai thác hải sản như nghêu, sò, ốc…Vùng biển phía bắc Quảng Bình (cách cảng Gianh từ 3-5 hải lý), là nơi tàu cá ngư dân các địa phương tập trung nhiều. Mỗi tàu cá có từ 6-10 ngư dân (hay được gọi là thợ lặn), ngậm ống thở lặn xuống độ sâu chừng 10-15m để khai thác các loại hải sản. Theo quy định, vùng biển ven bờ thuộc địa phương quản lý và ngư dân địa phương khai thác. Vì vậy, tàu cá ngư dân tỉnh bạn đến khai thác là sai tuyến. Do đó, lực lượng chức năng phải xử lý và buộc họ rời ngư trường khai thác ven bờ. Để kịp thời chấn chỉnh hiện tượng này, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã triển khai các đội tuần tra, kiểm soát trên vùng biển ven bờ phía bắc để ngăn chặn. Đến chiều ngày 10/6, Đội công tác của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã bắt và lập biên bản xử lý 10 tàu cá với 80 ngư dân lặn biển vi phạm. Đồng thời yêu cầu những tàu cá này rời ngư trường khai thác thủy sản ven bờ tại Quảng Bình.
KHAI TRƯƠNG ĐIỂM BÁN VÀ GIỚI THIỆU VẢI THIỀU THANH HÀ TẠI HÀ NỘI
Sáng 10/6, Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp cùng Sở NN-PTNT, Sở Công thương Hà Nội và Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam tổ chức khai trương điểm bán và giới thiệu vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội. Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng với dân cư đông đúc; số lượng người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập cao; nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng, an toàn của người dân ngày càng gia tăng. Do đó, thông qua hoạt động này, tỉnh Hải Dương kỳ vọng sẽ giúp quả vải Thanh Hà có cơ hội tới gần hơn với người dân Thủ đô, các doanh nghiệp thu mua. Năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có hơn 8.800 ha vải. Đến hiện tại, sản lượng vải đã thu hoạch được khoảng 32.000 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu là 16.000 tấn, còn lại là tiêu thụ trong nước.
BÁN GIỐNG CÂY KHÔNG BẢO ĐẢM TRUY XUẤT NGUỒN GỐC BỊ PHẠT TỚI 10 TRIỆU ĐỒNG
Chính phủ vừa ban hành nghị định 31/2023 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt. Theo đó, với hành vi vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng, nghị định quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng hành vi buôn bán giống cây trồng nhưng không thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về địa chỉ giao dịch, tên tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ. Với hành vi buôn bán giống cây trồng, trừ giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Về kiểm định ruộng giống, nghị định quy định phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng với hành vi kiểm định ruộng giống không theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống. Phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện kiểm định ruộng giống nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống. Đặc biệt, phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất giống nhưng không thực hiện kiểm định ruộng giống theo quy định.