Đồng hành ngư dân bám biển hiệu quả. Đường ngoại vẫn chiếm lĩnh thị trường. Hàng trăm tấn cá chết trên sông Hậu chưa rõ nguyên nhân. Xuất khẩu cua ghẹ quý 1 đạt mức cao nhất trong 5 năm.
ĐỒNG HÀNH NGƯ DÂN BÁM BIỂN HIỆU QUẢ
Chiều 16/5, Đoàn công tác Cục kiểm ngư phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với đồng hành ngư dân của xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền về tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép -IUU. Đoàn Công tác Cục Kiểm ngư cùng Lãnh đạo các sở ngành của địa phương đã tiếp thu và trao đổi thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của đồng hành ngư dân, cũng như đề ra nhiều giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm sớm gỡ “thẻ vàng” IUU theo khuyến nghị của EC và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đoàn công tác đã tiến hành trao cờ Tổ quốc cho ngư dân với thông điệp “Đồng hành cùng ngư dân bám biển, sản xuất hiệu quả, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và góp phần khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam -VSSA, nhu cầu tiêu thụ đường đang phục hồi nhờ hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, tuy vậy giá đường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi nguồn cung vẫn dồi dào.Hiện, giá đường nhập khẩu chính ngạch từ các nước ASEAN và đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới vẫn chiếm ưu thế trên thị trường do giá vẫn thấp hơn đường nội địa.Tuy đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng trong tháng 4, các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát do nước ngoài sản xuất vào Việt Nam liên tục bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.Trong tháng 4, đa số các nhà máy đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021/22. Lũy kế đến cuối tháng 4, toàn ngành đã ép được 6,4 triệu tấn mía và sản xuất được hơn 662.000 tấn đường. So với vụ ép mía 2020/21 sản lượng mía ép tăng gần 7% và sản lượng tăng 5%.
HÀNG TRĂM TẤN CÁ CHẾT TRÊN SÔNG HẬU CHƯA RÕ NGUYÊN NHÂN
Từ 13 tới 14/5, Phòng Kinh tế thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang nhận tin báo của các hộ nuôi thủy sản tại phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc trên nhánh sông Hậu đoạn sông Vĩnh Nguơn có hiện tượng cá nuôi thương phẩm chết nhiều, không rõ nguyên nhân.Thống kê sơ bộ có khoảng 32 hộ nuôi thiệt hại với 150 tấn cá bị chết. Theo các chủ vựa, Ban đầu cá lờ đờ, không bơi, ngửa bụng rồi chết. Khi phát hiện, chủ bè tách riêng số cá hỏng sang bè khác, song cá vẫn tiếp tục chết.Phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết nguyên nhân cá chết có thể do môi trường nước ô nhiễm, mưa nhiều gây áp lực lớn.Hôm nay lượng cá chết đã giảm, chính quyền đến thăm hỏi, tìm hướng hỗ trợ, đồng thời vận động người dân thu gom, tránh vứt cá chết gây ô nhiễm.
XUẤT KHẨU CUA GHẸ QUÝ 1 ĐẠT MỨC CAO NHẤT TRONG 5 NĂM
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý 1/2022, với giá trị xuất khẩu đạt gần 52 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 5 năm qua.4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp.Nhật Bản hiện là nước nhập khẩu cua ghẹ nhiều nhất của Việt Nam trong khối các thị trường tham gia CPTPP và luôn duy trì mức tăng trưởng dương trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu cua ghẹ sang Australia và Singapore lại liên tục sụt giảm trong quý 1 năm nay.