Lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Đồng Tháp lần đầu tổ chức 'Lễ hội cá tra - Vươn ra biển lớn'. 6 tấn mắc ca sấy đầu tiên xuất sang Nhật Bản. Chuẩn bị chống rét đàn vật nuôi từ sớm.
LẬP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN 1 TRIỆU HA CHUYÊN CANH LÚA CHẤT LƯỢNG CAO
Sáng 10/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia thuộc các tổ chức quốc tế về một số vấn đề xoay quanh Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: đề án nhắm đến một số mục tiêu chính bao gồm hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Bộ NN-PTNT cần thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo triển khai thực hiệu, điều phối, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án.
ĐỒNG THÁP LẦN ĐẦU TỔ CHỨC “LỄ HỘI CÁ TRA – VƯƠN RA BIỂN LỚN”
Đồng Tháp được xem là cái nôi hình thành làng nghề phát triển cá tra lâu đời và mang lại giá trị kinh tế cao. Từ các lợi thế này tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức lễ hội cá Tra lần đầu tiên với chủ đề “Lễ hội cá tra - Vươn ra biển lớn”, lễ hội dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12/2022, tại TP Hồng Ngự .
Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn tổ chức lễ hội nhằm quảng bá, tôn vinh hình ảnh con cá tra của tỉnh cũng như khu vực, qua đó góp phần khẳng định giá trị thương hiệu cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra đến năm 2025 diện tích thả nuôi cá tra đạt 2.450ha, sản lượng đạt 555.000 tấn với mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra của tỉnh bền vững, hiện đại và trách nhiệm.
6 TẤN MẮC CA SẤY ĐẦU TIÊN XUẤT SANG NHẬT BẢN
Hiện nay, mắc ca đã được Bộ NN&PTNT công nhận là cây đa mục đích, vừa là cây nông nghiệp, vừa là cây lâm nghiệp. Riêng tại Krông Năng, Đắk Lắk trong số 2.300ha mắc ca đã trồng, có 1.000ha đang thời kỳ kinh doanh, sản lượng 2022 ước đạt hơn 1.700 tấn hạt. Vừa qua, sản phẩm mắc ca của địa phương đã đạt mốc son chính thức thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Theo đó, chuyến hàng gồm hơn 2.200 thùng sản phẩm hạt mắc ca sấy, tổng trọng lượng hơn 6 tấn được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường vốn nổi tiếng khó tính. Việc xuất khẩu chính ngạch thành công sản phẩm mắc ca sang Nhật Bản là tiền đề mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Krông Năng nói riêng tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới; giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản được mệnh danh là "Nữ hoàng quả khô".
CHUẨN BỊ CHỐNG RÉT ĐÀN VẬT NUÔI TỪ SỚM
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hiện có đàn gia súc rất lớn, với hơn 30.000 con bò, 7.500 con trâu, 17.000 con dê, gần 600 con ngựa. Trong đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 2/2022, Bắc Yên chịu thiệt hại với 587 con gia súc chết rét. Ước tính thiệt hại khoảng 6,6 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho mùa đông sắp đến, Phòng NN-PTNT Huyện đã vận động hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp chống rét và chăm sóc đàn gia súc như: che chắn, vệ sinh chuồng trại, sưởi ấm; tăng cường bổ sung dinh dưỡng bằng thức ăn tinh, thức ăn thô, cho uống nước ấm, nước pha muối…
Ngoài ra còn phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, cảnh báo mức độ thiên tai đến người dân trên hệ thống Đài phát thanh của huyện, loa truyền thanh của xã.