Đốt rơm rạ trái quy định bị phạt tới 3 triệu đồng. Ngày mai giá xăng dự báo điều chỉnh lần thứ 4 liên tiếp. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan cùng giảm. Costa Rica mong muốn gia nhập Hiệp định CPTPP.
ĐỐT RƠM RẠ TRÁI QUY ĐỊNH BỊ PHẠT TỚI 3 TRIỆU ĐỒNG
Nghị định số 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8 đã bổ sung thêm nhiều nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt trong thời gian sắp tới. Trong đó, hành vi đốt rơm rạ ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, đốt rơm rạ gần sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt 2,5 đến 3 triệu đồng. Thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt 1-3 triệu đồng. Để rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tối đa lên tới 50 triệu đồng.
NGÀY MAI GIÁ XĂNG DỰ BÁO ĐIỀU CHỈNH LẦN THỨ 4 LIÊN TIẾP
Ngày mai 1/8, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong tuần qua, giá bình quân thành phẩm thế giới đi xuống nên ở kỳ điều hành ngày mai, mỗi lít xăng dầu trong nước có thể giảm 300-500 đồng. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 26/7, xăng RON 92 có giá bình quân 108 USD/thùng; xăng RON 95 ở mức 111 USD; giá dầu có lúc giảm về mốc 123 USD/thùng. Giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã có 3 đợt giảm liên tiếp từ đầu tháng 7, đưa mặt hàng này về ngang mức giá hồi tháng 2. Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm thế giới vẫn cao nên giá xăng 2 tháng tới chưa thể giảm sâu nên phải tới quý IV mới có thể giảm về 24.000 đồng/lít.
GIÁ GẠO XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM VÀ THÁI LAN CÙNG GIẢM
Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam hiện đang giảm do nguồn cung tăng cao. Theo đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 400 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 420 USD/tấn của tuần trước. Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống mức 395- 413 USD/tấn, giảm từ mức 415- 420 USD/tấn của tuần trước. Tại Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi so với tuần trước, hiện giữ ở mức 362 - 368 USD/tấn. Còn Bangladesh, nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới lại thường xuyên phải nhập khẩu lương thực để đối phó với tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của thiên tai như lốc xoáy và lũ lụt. Hiện, nước này đang phải nhập khẩu gạo từ nước láng giềng Ấn Độ sau khi chính phủ cho phép các thương nhân nhập khẩu 1 triệu tấn gạo và cắt giảm thuế nhập khẩu sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng.
COSTA RICA MONG MUỐN GIA NHẬP HIỆP ĐỊNH CPTPP
Tổng thống Costa Rica, ông Rodrigo Chaves cho biết, nước này mong muốn mở rộng thương mại ở châu Á bằng cách hướng tới việc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Mục đích xin gia nhập nhằm đưa các sản phẩm của nước này tiến sâu vào khu vực châu Á, nơi có các nền kinh tế đang phát triển nhanh. Kinh tế chính của Costa Rica là nông nghiệp, với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm chuối, cà phê, chanh dây. Ngoài ra, nước này còn có một số thế mạnh kỹ thuật cao, đứng thứ 2 tại Mỹ Latinh và thứ 14 trên toàn cầu về xuất khẩu thiết bị y tế. CPTPP được ký kết năm 2018, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Hiện, Hiệp định có 11 nước thành viên và đóng góp 15% tổng thương mại toàn cầu.