Dự án thủy lợi 4.000 tỷ hoàn thành sau 10 năm triển khai. Ngư dân được mùa mực biển. Triển vọng xuất khẩu rượu truyền thống sang Nhật Bản. Giao quyền tự chủ các cơ sở giáo dục đào tạo tạo là xu thế tất yếu.
Dự án thủy lợi 4.000 tỷ hoàn thành sau 10 năm triển khai
Dự án Khôi phục, nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (JICA2) với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng vừa được khánh thành vào sáng nay sau 10 năm triển khai.
Nhờ đó, đảm bảo đa mục tiêu, vừa cấp nước tưới cho 28.800 ha đất nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt cho gần 1 triệu dân của 5 huyện, thị phía Bắc tỉnh Nghệ An. Đồng thời góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, giảm ngập úng cho 15.000 ha vùng trũng của 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành.
Dự và chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định dự án đã nâng tầm toàn diện hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, vừa tăng cao diện tích tưới lại góp phần nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng kênh mương trong phạm vi được thụ hưởng.
Ngư dân được mùa mực biển
Theo các ngư dân ở vùng biển Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, những ngày qua, thời tiết thuận lợi nên nhiều tàu cá vươn khơi khai thác mực khá hiệu quả. Trung bình sau 1 đêm đánh bắt, những ghe thuyền trở về với sản lượng mực từ 100 – 200kg, cao hơn trung bình so với cùng thời điểm năm trước.
Hiện nay, giá mực được thương lái thu mua cũng tương đối ổn định. Trong đó, mực cơm loại nhỏ có giá từ 120 đến 140 nghìn đồng/kg. Mực ống giá từ 180 đến 260 nghìn đồng/kg. Loại đắt nhất là mực lá có giá khoảng 400 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí cho mỗi chuyến khoảng 4 đến 5 triệu đồng, mỗi tàu cá lãi hàng chục triệu đồng.
Mùa khai thác mực biển ở Quảng Nam thường bắt đầu từ đầu tháng 2 cho đến hết tháng 8 âm lịch, trong đó, sản lượng mực khai thác được cao nhất rơi vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 3.
Triển vọng xuất khẩu rượu truyền thống sang Nhật Bản
Rượu men lá là sản phẩm truyền thống của người dân xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Với kỹ thuật ủ men độc đáo, rượu men lá Bằng Phúc đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Năm 2022, sản phẩm này lần đầu tiên được HTX Thanh Tâm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Sau đơn hàng đầu tiên được thị trường Nhật Bản chấp nhận, số lượng hàng xuất khẩu liên tục tăng, năm 2023 HTX đã xuất khẩu 66.000 lít, doanh thu đạt hơn 2 tỉ đồng. Năm nay, dự kiến mỗi tháng HTX Thanh Tâm xuất khẩu trên 20.000 lít sang thị trường Nhật Bản. Để đáp ứng nhu cầu đơn hàng ngày càng tăng, HTX đã liên kết với 20 hộ sản xuất rượu trên địa bàn xã để cung cấp nguồn rượu ổn định đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Ngoài thị trường Nhật Bản, hiện nay HTX Thanh Tâm cũng đang tìm kiếm đối tác để xuất khẩu sang một số thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc.
Giao quyền tự chủ các cơ sở giáo dục đào tạo tạo là xu thế tất yếu
Tại Hội nghị Tập huấn về thực hiện tự chủ cho cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN-PTNT diễn ra tại tỉnh Đồng Nai ngày 22/3, do Bộ NN-PTNT tổ chức, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Tự chủ sẽ giúp cho các trường năng động hơn, từ đó thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh. Giao quyền tự chủ cũng chính là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ông Ngô Hồng Giang - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ NN-PTNT, với mục tiêu đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành NN-PTNT, Hội nghị nhằm thống nhất về nhận thức, thích ứng với sự thay đổi, chuẩn bị kỹ các điều kiện, yêu cầu về tự chủ nhanh nhạy sáng tạo và tìm các giải pháp tốt nhất.