Dữ liệu chăn nuôi hỗ trợ quản lý nhà nước điều hành theo thị trường. Nông sản, đặc sản Đồng bằng sông Hồng hội tụ tại Hà Nội. Xuất khẩu sắn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tôm nguyên liệu Cà Mau được giá.
DỮ LIỆU CHĂN NUÔI GIÚP SẢN XUẤT THEO TÍN HIỆU THỊ TRƯỜNG
Phát biểu tại lễ Triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành Chăn nuôi sáng 17/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Hệ thống dữ liệu chăn nuôi là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm chăn nuôi giúp nâng cao giá trị, sức cạnh trạnh của sản phẩm chăn nuôi.Để triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi. Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi.
NÔNG SẢN, ĐẶC SẢN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HỘI TỤ TẠI HÀ NỘI
Sáng 17/6, Phiên chợ Nông sản, đặc sản vùng miền các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2022 chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Với gần 80 gian hàng, các doanh nghiệp, HTX mang đến Phiên chợ nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm và các đặc sản vùng miền như: gạo, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương Tây Bắc……Đặc biệt Phiên chợ còn giới thiệu đến người tiêu dùng với 35 gian hàng của tỉnh Hải Dương cùng hơn 200 sản phẩm nông đặc sản tiêu biểu như: vải thiều Thanh Hà, rau củ quả tươi với hoạt động dùng thử, nếm thử sản phẩm tại khu triển lãm.Sự kiện do Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tổ chức. Phiên chợ sẽ được diễn ra từ 8h00 đến 18h00 các ngày từ 17 - 19/6tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
XUẤT KHẨU SẮN TIẾP TỤC TĂNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu được gần 260 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 114,09 triệu USD trong tháng 5 vừa qua, tăng 22,7% về lượng và tăng 33% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.Đầu tháng 6 này, giá củ sắn tươi tại các vùng ổn định còn giá tinh bột sắn thành phẩm tại cả 3 miền có xu hướng tăng trở lại. Tốc độ giao tinh bột sắn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng được đẩy nhanh nhờ nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại.Dự báo thời gian tới, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu cao của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, cũng như là trị trường tiêu thụ mặt hàng này lớn nhất của Việt Nam.
TÔM NGUYÊN LIỆU CÀ MAU ĐƯỢC GIÁ
Nông dân nuôi tôm tại Cà Mau đang rất phấn khởi nhờ giá các loại tôm nguyên liệu đều giữ ổn định ở mức cao. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm thẻ các loại tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, riêng tôm thẻ kích cỡ 100 con/kg duy trì mức giá khoảng 95.000 - 97.000 đồng/kg.Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg dao động từ 225.000 - 235.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; loại 30 con/kg dao động từ 185.000 - 195.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg;…Năm 2022, Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 630.000 tấn; trong đó, sản lượng tôm đạt 230.000 tấn, sản lượng chế biến tôm là 157.000 tấn.