Lũ trên sông Nhật Lệ vượt mức lịch sử năm 1983. Dừa Trà Vinh được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Một trại lợn tại Yên Bái được hỗ trợ 20 triệu đồng. Phát triển sản phẩm OCOP từ vùng chuyên canh hợp tác xã.
Mưa lớn do bão Trà Mi (bão số 6) và không khí lạnh khiến lũ trên sông Nhật Lệ đoạn qua thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã vượt mức lũ lịch sử năm 1983. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và ngày hôm nay (28-10), khu vực từ nam Hà Tĩnh đến Quảng Trị tiếp tục có mưa to đến rất to. Hiện nay, bão đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng và tan dần. Tuy nhiên tình hình mưa lớn ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, gió mạnh và sóng lớn ở khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và phía bắc của khu vực Bắc Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Từ đêm nay đến hết đêm mai 29/10 từ nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 350mm.
YÊN BÁI: MỘT TRẠI LỢN ĐƯỢC HỖ TRỢ 20 TRIỆU ĐỒNG
Thực hiện: Hùng Khang - Thanh Tiến
Như báo NNVN đã phản ánh, bão Yagi đã khiến trang trại chăn nuôi lợn của công ty THNH Hòa Bình Minh có trụ sở tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái bị cuốn trôi hơn 5.000 con lợn cũng như thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Sự việc được khiến nhiều người không khỏi xót xa bởi mất mát về tài sản quá lớn. Trước những thiệt hại trên, doanh nhân Phạm Quốc Liêm và Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) đã phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam trao số tiền 20.000.0000 triệu đồng, hỗ trợ trang trại chăn nuôi nhằm khắc phục hậu quả do bão gây ra. Bà Phạm Thị Phương Vinh đại diện cho trang trại chăn nuôi lợn của công ty Hòa Bình Minh đã nhận số tiền 20.000.000 triệu đồng. Hoạt động từ thiện của công ty cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) đã cho thấy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái - truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
DỪA TRÀ VINH ĐƯỢC CẤP MÃ SỐ XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC
Quỳnh Anh khai thác
Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa của tỉnh Trà Vinh. Theo đó, tỉnh có 9 vùng trồng dừa với tổng diện tích trên 1.240ha và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh đang tích cực hướng dẫn các đơn vị đã có mã số được GACC phê duyệt tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu, yêu cầu cơ sở đóng gói thực hiện kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm, không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật theo quy định của Trung Quốc.
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP TỪ VÙNG CHUYÊN CANH HỢP TÁC XÃ
Quỳnh Anh khai thác
Hà Nội hiện có gần 1.500 hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian qua, thành phố mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nông sản có sản lượng lớn. Từ bước đi đó, nhiều HTX đã phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, hiệu quả hoạt động của HTX. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.491 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, có 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP. Trong đó, khá nhiều sản phẩm OCOP được các HTX phát triển từ các vùng chuyên canh.